Trên mạng xã hội, quan điểm dưới đây của tác giả Pink được rất nhiều người đồng ý.
“Thái độ của Trường Giang trong chương trình Mặt nạ ngôi sao khiến công chúng giận dữ hơn cả việc anh bỏ diễn khi bị ném chai nước lên sân khấu. Bởi thà anh bỏ diễn còn là hơn mang gương mặt đưa đám ấy vào ống kính.
Nó chẳng khác nào cách mà các cầu thủ đội Long An đứng lì trên sân cỏ để mặc cho đội TP.HCM ghi bàn vào khung thành trống rỗng để phản đối quyết định của trọng tài tại vòng 6 V-League".
Trường Giang gây nhiều chỉ trích thời gian gần đây. Ảnh: TL. |
Khán giả có ý nghĩa gì với Trường Giang không? Phải chăng anh tự cho mình cái vị thế của một người đặc biệt: vui thì bố thí tiếng cười cho công chúng, buồn thì khoanh tay?
Nghệ sĩ hài Trường Giang có fan đông, cát xê cao, thu hút phòng vé sân khấu, rating truyền hình. Nhưng rồi cũng đến lúc phải nói thẳng với nhau rằng Trường Giang diễn hài không quá xuất sắc, làm MC cũng không.
Trường Giang có cố tật về giọng nói, nuốt chữ, đặc sệt thổ âm địa phương, nhưng chàng “nẫu” cũng khá thông minh biến sở đoản thành lợi thế “mắc cười” mà Mười Khó có thể coi là vai để đời.
Nhưng Mười Khó không phải là nhà mạng để phủ sóng mọi lúc mọi nơi và mọi vai diễn. Nó hơi bị lạm dụng nhất là cách phát âm miền Trung được Trường Giang phát huy tối đa.
So với bạn đồng vai phải lứa như Trấn Thành, Trường Giang thiếu cái hoạt ngôn, lanh lẹ, bá xàm bá láp cố ý mà có duyên. Và Trường Giang càng không là gì so với với đàn anh đa tài bách nghệ Hoài Linh hay con người được trời ban cho sân khấu như Thành Lộc.
Hãy buông bỏ khi lên sân khấu như Kép Tư Bền
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi xưa thường nói các nghệ sĩ, đặc biệt là diễn viên luôn coi mối quan hệ với nghề với Tổ nghiệp, với bạn diễn và với khán giả như là thứ tôn giáo để chiêm bái phụng sự.
Nhà văn viết Bàn thờ tổ của một cô đào, lý giải một phần về tín ngưỡng Tổ của sân khấu. Chuyện kể về một anh hậu đài giúp cô đào đu bay phi thân hàng đêm, nhưng một khoảnh khắc quên mình vì tiết mục đó mà anh bị tai nạn qua đời.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan cho Kép Tư Bền xuất hiện chói lòa nhưng rồi lạnh lùng “hạ thủ” không thương tiếc kép hề này bằng sự nghiệt ngã của đời, cha bệnh nặng, nợ chủ rạp nên phải nuốt nước mắt, tô son trét phấn mà lên sân khấu.
Trường Giang cần ý thức rằng mình đang được khán giả yêu thương. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Kép Tư Bền buông bỏ tất cả khi lên sân khấu, xuất thần nhập hóa vào nhân vật hề làm khán giả cười không kịp nghỉ.
"Anh ngồi ủ rũ trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì nhăn nhó, nhưng tay vẫn phải sờ vào hộp phấn hồng để đánh mặt, quệt vào đĩa mực để bôi nhọ cái mồm. Rồi anh phải mặc trái cái áo lụng thụng thêu, lận đôi hia xanh và đội cái mũ chuồn ngược.
Nhưng mà cha anh Tư Bền sắp chết. Ban nãy lúc anh ở nhà ra đi, đã thấy nguy lắm rồi. Thôi! nhưng mà mặc kệ. Anh phải quên đi, mà bông, mà đùa, mà pha trò trên sân khấu, cho chúng tôi cười, hét lên mà cười, cười đến nỗi lăn ra cả đất chứ”.
Câu chuyện về Kép Tư Bền kể lại không chỉ để nhắc nhở Trường Giang mà nhiều nghệ sĩ Việt cũng nên như vậy. Hãy học hỏi sự chuyên nghiệp, tôn trọng khán giả và cháy hết mình mỗi khi lên sân khấu.