Tại hội nghị cung cấp thông tin thường kỳ tháng 9/2017 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết sẽ thay số sổ BHXH, thẻ BHYT bằng mã số bảo hiểm xã hội. Mã số bảo hiểm xã hội cấp cho người tham gia là 10 ký tự cuối của thẻ BHYT, không thay đổi trong suốt quá trình tham gia, đóng và hưởng BHXH, BHYT.
"Việc in, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT mới sẽ triển khai đồng loạt cho người tham gia trên cả nước từ ngày 1/10/2017 khi tỉ lệ người tham gia được đồng bộ quản lý theo mã số BHXH đạt từ 70% trở lên. Ở Hà Nội, việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số bảo hiểm xã hội được thực hiện từ ngày 1/8/2017. Trong thời gian chờ đồng bộ, mã số BHXH, sổ BHXH và thẻ BHYT đã cấp mà chưa được đổi, cấp lại theo mẫu mới vẫn có giá trị sử dụng đến khi được cấp, đổi lại"- ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Việc cấp sổ BHXH và thẻ BHYT theo mẫu mới giúp cơ quan BHXH hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia theo hộ gia đình và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người tham gia khi giải quyết chế độ BHXH và khám chữa bệnh BHYT được thuận lợi. Cạnh đó, cơ sở khám chữa bệnh BHYT dễ dàng tra cứu thông tin về thẻ BHYT, chống các hành vi sử dụng thẻ BHYT giả mạo để lạm dụng quỹ BHYT.
Mã số BHXH mới thay đổi mang lại nhiều thuận lợi cho người tham gia. |
Về phía người tham gia, khi tiếp tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT, xác nhận quá trình tham gia và giải quyết chế độ BHXH, BHYT, người tham gia không cần xuất trình giấy tờ hay lập lại các thủ tục như tham gia lần đầu, chỉ cần nhớ và báo lại cho cơ quan BHXH mã số BHXH khi làm thủ tục...
Liên quan đến thông tin này, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định, lợi ích của việc thay số sổ BHXH, thẻ BHYT bằng mã số BHXH là bước tiến quan trọng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như người tham gia.
Cụ thể, theo ông Trần Đình Liệu, đối với cơ quan BHXH, đây là điều kiện để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia theo hộ gia đình và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người tham gia khi giải quyết chế độ BHXH và khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thuận lợi.
Đối với cơ sở khám chữa bệnh BHYT, có thể chống các hành vi sử dụng thẻ BHYT giả mạo để lạm dụng quỹ BHYT; khai thác, kiểm tra các thông tin về bệnh nhân BHYT trong cơ sở dữ liệu (tiền sử bệnh, tình trạng kháng thuốc...) do cơ quan BHXH quản lý để phục vụ cho công tác điều trị.
Đối với người tham gia, việc bổ sung hoàn thiện thông tin lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý hộ gia đình và giảm TTHC, tạo điều kiện cho người tham gia khi giải quyết chế độ BHXH và khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thuận lợi.
Trước câu hỏi liệu chủ trương này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm hay không? ông Trần Đình Liệu cho biết thêm, trong thời gian đầu thực hiện tra cứu giá trị sử dụng thẻ trên Cổng thông tin giám định BHYT, trường hợp người tham gia dùng thẻ còn giá trị sử dụng đi khám chữa bệnh, nhưng cơ sở khám chữa bệnh tra cứu trên cổng phát hiện thẻ BHYT đã hết giá trị sử dụng thì thông báo cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH có trách nhiệm kiểm tra, đồng thời vẫn phải đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bình thường cho người tham gia (trừ trường hợp cơ quan BHXH nơi cấp thẻ thông tin lại người đó đã ngừng đóng BHYT).
Hiện BHXH các địa phương đang ưu tiên cấp mã số BHXH và đổi thẻ mới cho đối tượng học sinh sinh viên và các đối tượng hết hạn sử dụng thẻ BHYT trước ngày 31/12/2017.
Đồng thời, toàn ngành BHXH cũng đang phối hợp với đơn vị sử dụng lao động và người tham gia cập nhật, bổ sung thông tin còn thiếu từ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) để có thông tin đầy đủ, chính xác và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho người tham gia theo mã số BHXH.