1. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
Sau chiến tích lịch sử với 1 HCV 10m súng ngắn hơi, 1 HCB 50m súng ngắn bắn chậm Olympic 2016 (Brazil), sang năm 2017, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã phải nhận trái đắng khi không thể giành nổi 1 HCV ở SEA Games 2017 (Malaysia).
Chia sẻ với báo chí, HLV Nguyễn Thị Nhung nói thất bại tại SEA Games là một bài học cần thiết giúp Xuân Vinh biết mình đang ở đâu: “Bắn súng là cuộc thi không chỉ về kỹ thuật, mà còn là cuộc chiến về thần kinh. Vinh bước vào trận đấu với áp lực tâm lý đè nặng. Với tư cách của VĐV đã đạt đẳng cấp quốc tế, giành HCV Olympic thì phải là số 1 khu vực và Vinh đã thất bại”.
Ở tuổi 44, xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh vẫn đang miệt mài tập luyện cho mục tiêu giành HCV ASIAD 2018. Ảnh: I.T |
Một chút khích lệ cho Xuân Vinh là trong những ngày tháng 12.2017, anh cùng đồng đội Trần Quốc Cường – Nguyễn Đình Thành đã giành được tấm HCĐ đồng đội 10m súng ngắn hơi giải vô địch châu Á diễn ra ở Nhật Bản.
“Sau thời gian đạt tới đỉnh cao, tôi cần thay đổi, làm mới mình hơn để chuẩn bị cho những mục tiêu tương lai. Tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để giành được những thành công mới mà gần nhất là tại ASIAD 2018”, Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.
Thạch Kim Tuấn sẽ tỏa sáng trong năm tuổi để mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường ASIAD? Ảnh: I.T |
2. Lực sĩ Thạch Kim Tuấn
Sau Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic 2008), Thạch Kim Tuấn đã xuất hiện như một sự kế thừa hoàn hảo ở hạng cân 56kg nam. Những năm qua, lực sĩ người Khmer đã khẳng định được vị thế như một vận động viên hàng đầu thế giới với những tấm HCV, HCB thế giới.
Tại ASIAD 2014, Thạch Kim Tuấn đã thi đấu rất xuất sắc để phá 2 kỷ lục Á vận hội ở nội dung cử giật (134kg) và tổng cử (294kg). Tuy nhiên anh vẫn chỉ ngậm ngùi nhận HCB do đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình bao năm qua là Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) quá xuất sắc với kỷ lục thế giới mới ở nội dung cử đẩy (170kg) và đạt tổng cử 298kg.
Năm 2017 vừa qua, Thạch Kim Tuấn không có đối thủ ở SEA Games, bảo vệ thành công tấm HCV hạng 56kg. Tại giải vô địch cử tạ thế giới cuối năm 2017 tại Mỹ, do các đối thủ Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên), Long Qingquan, Wu Jungbiao (Trung Quốc)... không góp mặt vì nhiều lý do khác nhau nên dù có thành tích không tốt, Thạch Kim Tuấn vẫn giành 3 HCV cử giật (126kg), cử đẩy (153kg) và tổng cử (279kg).
Phía trước, tại ASIAD 2018, Thạch Kim Tuấn đang được kỳ vọng sẽ tỏa sáng vào đúng năm tuổi (Tuấn sinh năm 1994) để đi vào lịch sử với tư cách VĐV cử tạ đầu tiên của Việt Nam giành HCV Á vận hội.
"Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới hy vọng giành tấm HCV Á vận hội lịch sử. Ảnh: I.T |
3. "Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên
Trưởng thành rất nhanh chóng và liên tiếp có những bước tiến về chuyên môn, Ánh Viên đã chứng minh được mình là “kình ngư” số 1 khu vực khi giành 8 HCV SEA Games 2015, 8 HCV SEA Games 2017 và thiết lập nhiều kỷ lục SEA Games.
Tuy nhiên, muốn giành HCV trên đấu trường châu lục, cụ thể là ASIAD 2018 thì có lẽ thời gian tới Ánh Viên vẫn phải nỗ lực thêm rất nhiều ở những nội dung sở trường bơi ngửa, bơi hỗn hợp.
Tại ASIAD 2014, Ánh Viên đã giành 2 HCĐ nội dung 200 m ngửa (2 phút 12 giây 25) và 400m hỗn hợp (4 phút 39 giây 65).
Võ sĩ wushu Dương Thúy Vi sẽ bảo vệ thành công HCV ASIAD? Ảnh: I.T |
4. "Nữ hiệp" Dương Thúy Vi
Như một người được “lựa chọn”, SEA Games 2013 rồi đến SEA Games 2017, Dương Thúy Vi đều là người “mở hàng HCV” cho TTVN. Thậm chí, ở ASIAD 2014, cô còn là người mang về tấm HCV duy nhất cho thể thao nước nhà ở nội dung kiếm thuật-thương thuật.
Theo nhận xét của giới chuyên môn thì trình độ của Dương Thúy Vi lâu nay đã ở tầm thế giới. Tới ASIAD 2018, cô tiếp tục được kỳ vọng sẽ bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung sở trường.
Niềm tin cho Thúy Vi khi ở giải vô địch thế giới tháng 10.2017 (Nga), cô đã thể hiện phong độ ấn tượng để giành HCV thương thuật. Đối thủ lớn nhất của Vi vẫn chính là các VĐV Trung Quốc.