Bộ Công Thương đưa ra các bước chuyển đổi mô hình A0
Tại Tờ trình mới đây, Bộ Công Thương đã nêu ra nội dung liên quan đến các bước chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương.
Cụ thể, bước một sẽ thực hiện tách A0 ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thành lập công ty TNHH MTV, thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tiếp theo, sau khi A0 đã thực hiện thành lập công ty TNHH MTV, sẽ thực hiện việc chuyển quyền chủ sở hữu của đơn vị này từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có Tờ trình 3711/TTr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ này. Theo đó, Bộ đưa ra 2 phương án chuyển đổi mô hình A0.
Phương án 1: A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương.
Phương án 2: A0 trở thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.
Theo Bộ Công Thương, cả hai phương án nêu trên đều đảm bảo các tiêu chí về tính độc lập, khách quan của A0 so với hiện tại, khả năng phối hợp với các đơn vị liên quan và khả năng linh hoạt đổi mới, sáng tạo.
Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng mục tiêu chuyển nguyên trạng A0 về trực thuộc Bộ Công Thương, cơ quan này chọn phương án A0 là đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia được ví như trái tim của ngành điện Việt Nam |
Vận hành, phân bổ nguồn điện sẽ khách quan hơn?
Theo các chuyên gia, A0 như trái tim của hệ thống điện Việt Nam. Nếu A0 trực thuộc Bộ Công Thương thì tính khách quan đương nhiên cao hơn khi ở EVN. Việc điều độ, phân bổ, huy động các nguồn điện sẽ hoàn toàn độc lập với hoạt động của tập đoàn.
Khi A0 về Bộ, các nhà máy điện của EVN sẽ giống như tất cả các đơn vị phát điện khác của tư nhân. Bộ Công Thương khi đó phải đảm đương trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện cho quốc gia, thay vì EVN, bởi hiện nay EVN và các tổng công ty phát điện (Genco) chỉ nắm chưa đến 40% nguồn điện.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho rằng, việc A0 về Bộ không phải là không thể, nhưng vấn đề là Bộ Công Thương có cơ chế nào để “nuôi” A0? Các nhân sự của A0 sẽ như thế nào? Họ có nghỉ việc nếu không được đáp ứng yêu cầu về thu nhập khi mà vấn đề nhân sự là điều rất quan trọng nhất của A0.
“Đưa A0 về Bộ nhất định phải đi kèm với cơ chế đặc thù là họ có được hưởng tất cả quyền lợi như ở EVN hay không?”, ông Hà Đăng Sơn băn khoăn.
Đây cũng là băn khoăn của Bộ Công Thương khi tiếp nhận A0. Cơ quan này kiến nghị: Trong trường hợp A0 chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Bộ cho rằng cần phải có cơ chế tài chính đặc thù đủ đảm bảo duy trì mức lương và phụ cấp tương đương hiện tại để tránh xáo trộn về nhân lực của A0, dẫn đến những rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian chuyển giao và hoàn thiện mô hình tổ chức.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc đầu tư trang thiết bị, máy móc,... của A0 khi về Bộ sẽ được thực hiện như thế nào cũng là dấu hỏi lớn.
Bởi khi trực thuộc EVN, các quyết định đầu tư được đưa ra nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu điều độ, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp. Còn khi về Bộ, nếu phải áp dụng theo quy trình mua sắm của cơ quan hành chính nhà nước thì sẽ bị chậm trễ và phụ thuộc nhiều vào lượng tiền ngân sách phân bổ.
Do đó, cần sớm có những cơ chế đi kèm để không ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc hiện đại hóa của A0, nhất là vấn đề mua sắm máy móc, trang thiết bị kịp thời để đáp ứng yêu cầu vận hành ngày càng khó của hệ thống điện.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo Tờ trình Thủ tướng của Bộ Công Thương, A0 hiện là đơn vị đảm nhận hai chức năng được quy định trong Luật Điện lực: Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực. Hiện nay, A0 là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN.