Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tại kết luận của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La, có nêu ra nhiều lời khai của phụ huynh, người thân của thí sinh cùng những đối tượng trung gian đã chuyển thông tin cá nhân thí sinh.
TS. Nguyễn Văn Khải cho rằng: "Nếu lời khai của các phụ huynh có con được nâng điểm là đúng thì phải khám tâm thần cho cán bộ giáo dục Sơn La, bởi chỉ nhờ xem điểm mà lại đi nâng điểm, sửa điểm". |
Điều đáng nói, hầu hết những lời khai đều thể hiện việc họ chuyển thông tin cá nhân thí sinh chỉ là nhờ nhằm xem điểm trước, số rất ít thừa nhận việc chuyển thông tin thí sinh là để nhờ nâng điểm. Dẫu vậy, dù thừa nhận nhưng hầu hết đều phủ nhận việc đưa tiền của, vật chất mặc dù có bị can đã nộp lại số tiền đã nhận.
Tiêu biểu như việc ông ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La ban đầu thừa nhận chuyển thông tin của 8 thí sinh cho bị can Trần Xuân Yến chỉ để nhờ xem điểm, sau đó lại phủ nhận lời khai của mình.
Nhiều người đánh giá lời ông Đức là không đáng tin bởi trước khi vụ gian lận thi cử khủng khiếp này bị phanh phui ở Sơn La thì chính vị Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương này từng trả lời báo chí rằng: "Anh em chấm theo đúng quy trình quy định và cho ra kết quả như thế, tôi làm sao biết được”. Đồng thời nhận định, kết quả thi của những thí sinh điểm cao ở Sơn La là do sự cố gắng nỗ lực của thầy cô, của bản thân các em, và cũng khó mà nói (giải thích) được việc cao, thấp.
Những cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La bị khởi tố trong vụ gian lận thi cử. |
Thế nhưng không riêng gì ông Đức, hầu hết những phụ huynh là cán bộ có chức tước ở địa phương này có con, cháu được nâng điểm cũng khai "chuyển thông tin là để nhờ xem điểm trước". Thậm chí một chủ nhà hàng còn khai rằng, được một vị khách không nhớ tên đọc thông tin cá nhân thí sinh sau đó chuyển thông tin này đến ông Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La chỉ để nhờ xem điểm.
Những lời khai trên khiến nhiều người cảm thấy hài hước, thậm chí có người nói lời khai của họ đến "trẻ con còn không tin". Dù vậy, tại kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La cho biết: "Ngoài lời khai của các bị can, đối tượng trung gian, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để làm rõ động cơ, mục đích việc nhận, chuyển thông tin cá nhân các thí sinh. Cơ quan An ninh điều tra cũng đã tiến hành đối chất giữa bị can với thân nhân thí sinh, đối tượng trung gian, triệu tập, xác minh đối với các thí sinh nhưng vẫn không làm rõ được".
Trao đổi với chúng tôi về những lời khai này, thầy giáo, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nói rằng: "Nếu cơ quan chức năng địa phương không thể chứng minh được động cơ của việc chuyển, nhận thông tin thí sinh thì nên để Bộ Công an làm và phải áp dụng những phương pháp nghiệp vụ để làm cho ra lẽ".
"Còn nếu những lời khai của các phụ huynh, đối tượng trung gian là đúng thì cơ quan chức năng ngành giáo dục Sơn La, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương tổ chức khám tâm thần cho cán bộ giáo dục tại địa phương này, bởi không có lẽ người ta chỉ nhờ xem điểm mà lại liều lĩnh đi nâng điểm, mang bài thi về nhà để sửa điể.
Chỉ có kẻ tâm thần, thần kinh mới làm việc ấy, không ai dại dột mang cả danh dự, tính mạng mình để làm việc vi phạm pháp luật mà không có lợi ích gì.
Đây lại đường đường là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT (bị can Trần Xuân Yến), Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (bị can Lò Văn Huynh), Phó trưởng Phòng KT&QLCLGD (bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn), hay Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu - TP Sơn La (bị can Đặng Văn Thủy)....
Nếu lời khai ấy là đúng, hóa ra từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT, chính quyền Sơn La toàn sử dụng những kẻ bị tâm thần làm cán bộ giáo dục hay sao?", Ông Khải đề cập.
Cũng theo ông Khải, nếu những lời khai thiếu thành thật thì cũng cho thấy những người này chưa nhận ra lỗi lầm để sửa chữa mà mãi sống trong giả dối vì vậy họ không xứng đáng hưởng sự nhân văn như Bộ GD&ĐT đã từng nói.
"Chẳng lẽ chúng ta phải bó tay vì sự gian dối không được làm sáng tỏ?", tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nói thêm.
Phát ngôn ngược thực tế của ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La trước khi gian lận thi cử 2018 bị phanh phui ở địa phương này. |
Cùng nhận định với PV, một số luật sư cho rằng, cơ quan chức năng có nhiều nghiệp vụ để chứng minh động cơ, mục đích của các đối tượng chuyển thông tin thí sinh chứ không thể chỉ căn cứ lời khai vì "chẳng ai dại mà nhận mình đưa tiền để chạy điểm". Còn áp dụng biện pháp nghiệp vụ gì, áp dụng thế nào là của cơ quan này.
Trong khi đó, phát biểu tại Quốc hội vào hôm qua (30/5), nhiều ĐBQH đã gay gắt phê phán vụ việc gian lận thi cử này. ĐB Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) trong bài phát biểu của mình thậm chí gọi việc gian lận thi cử này là : "Ăn cướp, vô liêm sỉ".
"Đây chỉ là giọt nước tràn ly. Trước tình trạng này, ngành giáo dục phải xem xét, đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi phổ thông và tuyển sinh đại học. Ngành giáo dục cũng phải xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi… nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử.
Nếu như trước kia, tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay thành gian lận có tổ chức, tinh vi hơn, xảy ra ở nhiều địa phương do những người có chức quyền, có tiền có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục làm", ĐBQH Thái Trường Giang bày tỏ.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì bày tỏ: "Mất mát lớn nhất của vụ việc này chính là mất đạo đức xã hội. Chỉ khi xử lý triệt để được vụ việc này thì mới lấy lại được niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn có pháp luật".
Ông Sỹ Cương phản ánh rằng người dân không những không yên tâm mà còn mất niềm tin với giáo dục. "Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, tiến hành, nhưng Bộ không kiểm soát được tình hình. Điều đáng nói, khi đã làm rõ sai phạm, việc công khai danh tính của phụ huynh và học sinh thì bộ không có chính kiến rõ ràng, lý giải nào là nhạy cảm, nào là nhân văn…".
Mời quý vị độc giả xem video: Đại biểu quốc hội nói về gian lận thi cử ở Sơn La
Clip phát biểu của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. (Nguồn: VTV).