Sau khi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử lần thứ ba kết thúc tốt đẹp hôm 27/4, truyền thông Triều Tiên đã ca ngợi cuộc gặp này là “một mốc lịch sử mới” của hai miền. Theo NK News, truyền thông Triều Tiên ngày 28/4 tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.
Cụ thể, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đã công bố văn kiện “Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên” được hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều ký hôm 27/4, trong đó Bình Nhưỡng và Seoul cam kết mục tiêu chung hướng tới hiện thực hóa một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4. Ảnh: Korea.net. |
KCNA cũng nhấn mạnh những bước đi gần đây của Bình Nhưỡng "rất có ý nghĩa và quan trọng trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".
Ngoài ra, ấn bản ngày 28/4 của báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng dành nhiều trang để đưa tin về cuộc hội đàm thượng đỉnh Hàn-Triều vừa diễn ra.
Tờ báo Rodong Sinmun của Triều Tiên đã dành nhiều trang để đưa tin về Thượng đỉnh liên Triều lần 3. Ảnh: Yonhap. |
Truyền thông Hàn Quốc cũng đánh giá cao Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử vừa diễn ra, song vẫn tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra nhận định về kết quả của sự kiện này.
Tờ Korea Herald cho rằng cuộc hội đàm thượng đỉnh Hàn-Triều đã diễn ra thành công và đây được xem bước đệm cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6/2018.
Mời độc giả xem video: Hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều ký tuyên bố chung ngày 27/4 (Nguồn: Daily Mail)
Trong khi đó, nhật báo Chosun nhận định Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm là một bước tích cực nhằm làm “tan băng” mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, văn kiện này chưa đủ để có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Đồng quan điểm, báo Joongang cho rằng còn cả một chặng đường dài phải đi qua trước khi thực hiện phi hạt nhân hóa. Chính vì vậy, các thỏa thuận đạt được trong Tuyên bố chung 27/4 chỉ nên xem là điểm khởi đầu cho một hành trình dài hướng tới phi hạt nhân hóa (bán đảo Triều Tiên).