Bảy tháng trước, Bahara (tên nhân vật đã được thay đổi), 18 tuổi, bị cầm tù vì trượt bài kiểm tra trinh tiết.
Bahara trốn khỏi nhà để gặp bạn trai. Họ chưa bao giờ gặp nhau nhưng đã liên lạc qua điện thoại. Đêm hôm đó, khi họ gặp nhau lần đầu tiên, anh ta hãm hiếp cô. Nhưng khi Bahara báo vụ hiếp dâm cho cảnh sát, họ đưa cô đến bệnh viện để kiểm trinh tiết – việc bị cấm ở Afghanistan vào năm 2016.
Ảnh chụp trong sân nhà tù Mazar-i-Sharif của Afghanistan, nơi nhiều phụ nữ bị giam vì "tội đạo đức. |
“Ngày hôm đó tôi đang bị hành kinh, tôi cầu xin họ đừng đưa tôi đến bệnh viện. Họ không nghe”, Bahara nói với Guardian.
“Tôi nghĩ ít ra, các bác sĩ sẽ đưa tôi đến một nơi riêng tư để kiểm tra. Nhưng họ cho tôi vào phòng rất nhiều người - bác sĩ, y tá, và thậm chí du khách và bệnh nhân khác, những người muốn nhìn cơ thể trần truồng của tôi. Vào lúc đó, tôi ước gì mình chết đi”.
Một nữ bác sĩ thực hiện bài kiểm tra bằng hai ngón tay của mình, xem màng trinh có còn nguyên vẹn không. Sau khi chịu đựng bài kiểm tra đau đớn, họ nói với Bahara rằng cô cần trải qua một bài kiểm tra khác.
"Bởi vì tôi đang đến ngày, họ không thể có kết quả chính xác", cô nói.
Bahara hiện đang là tù nhân tại nhà tù an ninh cao Mazar-i-Sharif ở tỉnh Balkh. Nhiều phụ nữ bị cầm tù ở đây vì "tội đạo đức", bao gồm trốn khỏi nhà và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Hầu hết sẽ phải trải qua bài kiểm tra trinh tiết và nhiều phụ nữ ngồi tù hàng tháng vì “trượt”.
Những người phụ nữ trốn khỏi nhà thường có hoàn cảnh đáng thương, từ bạo lực gia đình đến cưỡng hiếp. Họ bị giam cùng những kẻ giết người.
Bài thử nghiệm trinh tiết đã bị cấm chính thức từ năm 2016 nhưng điều đó không ngăn cảnh sát đưa phụ nữ và trẻ em gái đi xét nghiệm.
Mặc dù cuối cùng, những người phụ nữ này sẽ được ra tù, sự kỳ thị sẽ vẫn còn. Bahara khao khát được thả ra nhưng sợ những gì chờ bên ngoài.
“Tôi không chắc mình có thể tái gia nhập xã hội và trở lại sống một cuộc sống bình thường hay không. Việc tôi ở đây đã làm xấu danh tiếng của gia đình, tôi sợ bố có thể giết tôi khi tôi ra tù”, cô nói.
Tổ chức khoa học pháp y Afghanistan, một tổ chức phi chính phủ, cho biết: “Khám nghiệm màng trinh chỉ có tác động tâm lý tiêu cực đối với trẻ em gái và phụ nữ. Đây là một khám nghiệm nguy hiểm, trong một số trường hợp gây ra đau đớn thể chất, tổn hại đến màng trinh, chảy máu và nhiễm trùng”.
Giám đốc của tổ chức, Mohammad Ashraf Bakhteyari, nói rằng kiểm tra trinh tiết là vi phạm nhân quyền và không chứng minh được điều gì.
"Chảy máu không phải dấu hiệu của sự tồn tại hoặc vắng mặt của màng trinh", ông nói, thêm rằng thông tin này không được biết đến rộng rãi vì quá ít học sinh ở Afghanistan được giáo dục giới tính.