Trứng vịt lộn rất tốt nhưng lại là "đại kỵ" với một số người. Ảnh: Vietnamcoracle. |
Trứng vịt lộn từ lâu được biết đến là loại thực phẩm bổ dưỡng. Mặc dù tốt, không phải ai cũng có thể ăn được trứng vịt lộn.
Trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng. Rau răm có tác dụng trừ hàn, tiêu thực, sáng mắt, sát trùng, mạnh chân gối, ấm bụng, chữa đầy bụng khó tiêu… Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hóa, mạnh tim, giải độc thức ăn.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, món trứng vịt lộn ăn cùng gia vị là một bài thuốc, dùng chữa thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý…
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết trong một quả trứng vịt lộn có 182 kcal năng lượng, 13,6 g protein, 12,4 g lipid, 82 mg canxi, 212 mg phốtpho, 600 mg cholesterol… Ngoài ra, nó còn chứa nhiều vitamin A, một số ít sắt, glucid, vitamin B1, vitamin C… Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn được trứng vịt lộn.
Dưới đây là những nhóm người không nên ăn món này.
Người mắc bệnh tim mạch
Trứng vịt lộn chứa hàm lượng chất đạm và cholesterol rất cao. Nếu ăn nhiều trứng vịt lộn cholesterol xấu trong máu có thể tăng, gây hại cho tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch gây đột quỵ. Vì thế, lời khuyên cho những người mắc bệnh tim mạch là không nên ăn trứng vịt lộn.
Người bị huyết áp cao
Những người có bệnh cao huyết áp cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Người bị bệnh cao huyết áp tuyệt đối nên tránh xa trứng vịt lộn. Khi ăn trứng vịt lộn có nghĩa là bạn đang nạp vào cơ thể lượng lớn chất đạm và cholesterol. Trong khi đó, những chất này là một trong các tác nhân chính gây nên tình trạng cao huyết áp.
Người mắc bệnh về gan, tỳ vị
Tỳ vị và gan có nhiệm vụ sàng lọc chất độc hại trong cơ thể. Tuy nhiên, khi chúng bị tổn thương, lượng đạm từ trứng vịt lộn sẽ khiến chúng phải hoạt động hết công suất, khiến tổn hại lại càng lớn hơn.
Bên cạnh đó trứng vịt lộn có tính hàn sẽ khiến người bệnh gan và các bệnh tỳ vị dễ đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là bị đau bụng.
Người đang mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn trứng vịt lộn kèm rau răm sống. Rau răm tiêu thực, trừ hàn, sát trùng, ấm bụng, chống đầy bụng khó tiêu… cho người bình thường nhưng sẽ ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.
Gừng tươi nóng, kích thích tiêu hóa, giải độc, tốt cho tim mạch… nhưng có thể gây sảy thai đầu thai kỳ nếu cơ địa yếu, dây chằng lỏng lẻo.
Giai đoạn cuối thai kỳ mẹ bầu ăn trứng vịt lộn sẽ tích quá nhiều đạm, chậm tiêu, sinh nhiều cholesterol xấu trong máu cũng không tốt.
Người vừa sinh con
Sản phụ vừa sinh con không nên ăn trứng vịt lộn là vì loại thực phẩm này có chứa nhiều protein và chất béo, có thể gây khó tiêu, đầy bụng.
Lời khuyên của bác sĩ dành cho sản phụ là chỉ nên ăn trứng sau khi sinh từ một đến 2 ngày sinh và không nên ăn quá 2 quả/ngày.
Trẻ nhỏ
Theo bác sĩ, hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ vẫn chưa thể phát triển hoàn toàn, chính vì vậy nếu bố mẹ cho bé ăn quá sớm hoặc ăn quá nhiều trứng vịt lộn sẽ dẫn đến trướng bụng, rối loạn tiêu hóa. Bé từ 5 tuổi trở lên chỉ nên ăn 1/2 quả mỗi lần, mỗi tuần từ một đến 2 lần là đủ.