Đó là nhận định của nhà phân tích Preeti Nalwa - cộng tác viên nước ngoài của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington.
Trung Quốc dùng sức mạnh hải quân để thâu tóm Biển Đông. |
Theo nhà phân tích Preeti Nalwa, thứ nhất, Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có thể độc bá ở Biển Đông. Thứ hai, Trung Quốc theo đuổi một chiến lược biển nhất quán với phương pháp tiếp cận theo hai hướng: hiện đại hóa và tái cơ cấu quân đội để có thể triển khai sức mạnh hải quân và củng cố quan hệ ngoại giao-kinh tế với ASEAN.
Tái cơ cấu quân đội để độc bá ở Biển Đông
Tái cơ cấu quân đội Trung Quốc được thực hiện đồng bộ với sáng kiến “Một vành đai, một con đường ", với lực lượng hải quân viễn dương mạnh để bảo vệ lợi ích hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở nước ngoài. Đồng thời, Hải quân Trung Quốc mạnh có thể giảm thiểu lợi thế công nghệ quân sự của Washington và cách ly Mỹ khỏi việc mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đang tiến hành công việc xây dựng trái phép trên 7 rạn san hô và bãi đá ngầm mà nước này chiếm đóng ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó là Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Gaven, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đây là những rạn san hô và bãi đá ngầm, không được hưởng qui chế có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý. Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự, đường băng sân bay dài 3.000 mét trên ba “đảo nhân tạo” và có thể lắp đặt các hệ thống radar, tên lửa phòng không. Việc Bắc Kinh quân sự hóa những “đảo nhân tạo” nói trên dẫn đến đồn đoán rằng Trung Quốc mưu toan thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như nước này từng làm ở Biển Hoa Đông hồi tháng 10/2013. ADIZ Biển Đông sẽ khiến cho Trung Quốc khống chế không phận quần đảo Trường Sa và hạn chế hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
Trung Quốc đã theo đuổi chính sách quyết đoán trên biển, gây hại cho các nước láng giềng yếu hơn ở Đông Nam Á. Những tuyên bố chủ quyền quá đáng và phi lý của Trung Quốc trong phạm vi cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” đã xâm phạm thô bạo chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý, theo UNCLOS.
Bản đồ "đường lưỡi bò" phi lý do người Trung Quốc tự vẽ giữa thế kỷ 20 xâm phạm nghiêm trọng EEZ của các nước ven Biển Đông. |
Nếu các nước bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền không lên tiếng phản đối, Philippines và Malaysia sẽ mất khoảng 80% Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), Việt Nam mất khoảng 50%, Brunei mất khoảng 90% và Indonesia mất khoảng 30% EEZ.
Dùng con bài ngoại giao-kinh tế ve vãn một số nước ASEAN
Hướng thứ hai là củng cố quan hệ ngoại giao-kinh tế với ASEAN để giảm thiểu phản ứng tiêu cực tập thể của khối nay, khi bốn nước thành viên - Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam - có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược của Trung Quốc là chuyển hướng quan tâm của ASEAN vào quan hệ kinh tế-quốc phòng và nhấn mạnh rằng giải quyết tranh chấp phải được thực hiện trên cơ sở song phương.
Để tăng cường quan hệ với ASEAN, ngày 16/10/2015, Trung Quốc đã tổ chức hội nghị không chính thức cấp bộ trưởng quốc phòng ASEAN-Trung Quốc (ACDMIM) ở Bắc Kinh. Tại hội nghị này, Trung Quốc đề xuất diễn tập trung nơi nó được đề xuất thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp "Châu Á", không có sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài.
Mặc dù tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN từ năm 2008 và cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba Châu Á của Trung Quốc, sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước cam kết tăng kim ngạch thương mại song phương lên 160 tỷ USD vào năm 2017.
Hướng chiến lược này của Trung Quốc dường như đã ít nhiều gặt hái thành công. ASEAN đã hai lần không ra tuyên bố về hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông: đầu tiên tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 7/2012 tại Campuchia và sau đó tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) lần hứ 3 tại Kuala Lumpur vào ngày 4/11/2015.
Trung Quốc vẫn không "nao núng" trước việc Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông hồi tháng 10/2015 để "thách thức" yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc. Chuyến tuần tra của tàu khu trục Mỹ trong vòng 12 hải lý của “đảo nhân tạo” Đá Xu Bi không phải là một sự "răn đe" và cũng chẳng phải là một "thách thức", mà chỉ là "đi qua một vô hại" theo Điều 17 của UNCLOS. Thế nhưng, Trung Quốc đã cử hai chiến hạm (tàu khu trục Lan Châu và tàu khu trục Taizhou) bám đuôi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen, kiểm tra xem hoạt động của tàu chiến Mỹ có gây phương hại tới Trung Quốc theo Điều 19 của UNCLOS hay không.
Một số nhà phân tích cho rằng bằng cách tuân theo quy tắc của "đi qua vô hại”, Mỹ có thể đã vô tình công nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tương tự là chuyến bay của hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ trên không phận quần đảo Trường Sa, trong vòng hai hải lý tính từ Đá Châu Viên vào ngày 10/12/2015. Ban đầu, các phương tiện truyền thông nói rằng đó là một nhiệm vụ thường xuyên trên không phận quốt tế. Nhưng sau đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban lại nói rõ rằng phía Mỹ không có ý định bay trong phạm vi 12 hải lý và đây không phải là một sứ mệnh tuần tra FONOP. Ông này giải thích rằng các máy bay ném bomB-52 đã vô tình đi lạc vào không phận của các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Điều này rõ ràng là không phù hợp với tuyên bố quyết tâm duy trì FONOP.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục phát triển sức mạnh hải quân. Ngày 13/5/2015, ông Antonio T. Carpio, thẩm phán cao cấp của Tòa án tối cao Philippines, lưu ý rằng Trung Quốc đang đóng tàu hậu cần như Type 904A với một bãi đáp trực thăng cho một mày bay trực thăng vận tải hạng nặng Z-8 để đi đến các tiền đồn ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh có kế hoạch triển khai một tàu Hải cảnh "khủng" có lượng giãn nước 12.000 tấn ở Biển Đông. |
Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc có đội tàu tác nghiệp lớn nhất thế giới, có nhiều tàu hơn tất cả các nước Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại. Bắc Kinh có kế hoạch triển khai một tàu Hải cảnh có lượng giãn nước 12.000 tấn và một đội tàu chiến gồm 40 tàu khu trục Typ 056. Trong năm 2014, Trung Quốc đã có 15 tàu khu trục Type 054 và có kế hoạch đóng 40 tàu khu trục Type 056 hiện đại hơn.
Ngày 25/11/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng việc tái cơ cấu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ nhằm mục đích để đạt được các hoạt động chung tích hợp và khắc phục những nhược điểm nghiêm trọng để... ngang bằng với quân đội Mỹ. Các lực lượng chiến lược của Hải quân Trung Quốc và việc Bắc Kinh phô trương sức mạnh hải quân chính là công cụ cưỡng chế được thiết kế để thâu tóm Biển Đông.
Hai hướng tiếp cận nói trên của Trung Quốc sẽ ngày càng gây khó khăn hơn cho Mỹ và làm sứt mẻ chính sách "răn đe" của Nhà trắng ở Biển Đông.