Đây là thông tin được Interfax Energy dẫn lại từ tuyên bố của ông Vương Chấn Phong, Phó Tổng giám đốc CNOOC thuộc chi nhánh Trạm Giang chia sẻ bên lề Hội nghị Hải dương Trung Quốc lần thứ 11 diễn ra ở thành phố Thâm Quyến hôm 11/6. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2014 – 2030, CNOOC sẽ khai thác 422 tỷ m3 khí đốt tại một giếng dự trữ đã được xác định. Và kể từ năm 2013, CNOOC đã tìm thấy 136 tỷ m3 khối khí đốt tại một giếng dự trữ.
Ngoài ra, CNOOC còn đặt mục tiêu sản xuất 10 - 12 tỷ m3 khí đốt/năm ở phía tây biển Đông cho tới năm 2020 để cung cấp cho 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam.
Hải Dương-981, giàn khoan từng được Trung Quốc lai dắt và hạ đặt trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 5/2014. |
Phó Tổng giám đốc Vương thừa nhận rằng tình trạng giá dầu thấp sẽ hạn chế nguồn vốn ngân sách của CNOOC, nhưng tập đoàn này vẫn quyết tâm đầu tư cho các dự án trọng điểm ở vùng nước sâu.
Thậm chí, trong năm nay, CNOOC sẽ khoan 5 giếng dầu ở phía tây Biển Đông với cho phí cho mỗi giếng là 300 triệu nhân dân tệ (48 triệu USD). Trong đó, 2 khu vực nằm ở giếng Lăng Thủy 25-1 và 2 vị trí khác nằm ở giếng Lăng Thủy 18-1.
Ông Vương còn cho biết CNOOC sẽ mời đối tác nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí ở phía tây Biển Đông song từ chối tiết lộ thông tin chi tiết.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn mời đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu các lô dầu khí ngay trong Hội nghị Hải dương thường niên. Tính tới tháng 9/2014, Trung Quốc đã tìm thấy 33 lô dầu khí với tổng diện tích 12,61 triệu hecta.
Cho tới nay, CNOOC đã tự tiến hành khoan 9 giếng ở phía tây biển Đông và ca ngợi sự xuất hiện của giếng dầu Lăng Thủy 17-2-1 là một nỗ lực tìm kiếm mang tính đột phá lớn.
Mở rộng bành trướng
Trung Quốc được cho đang kiểm soát trữ lượng lớn dầu khí nằm trên Biển Đông, khu vực mà nhiều quốc gia láng giềng như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền. Chỉ trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành xây dựng trái phép các đảo nhân tạo cùng nhiều cơ sở hạ tầng lớn nhằm hiện thực hóa âm mưu bành trướng chủ quyền trên Biển Đông.
Tuy nhiên, chưa rõ các giếng dầu mới nằm trong kế hoạch khai thác của Tập đoàn CNOOC có thuộc vùng biển của Việt Nam hay không.
Bể chứa dầu nổi FPSO của CNOOC. |
Hồi tháng 5/2014, CNOOC đã trái phép lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thậm chí, chính quyền Bắc Kinh còn điều động một lực lượng lớn tàu thuyền chủ động đâm va, tấn công ngăn chặn lực lượng chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ. Sau 2 tháng hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã kéo Hải Dương-981 về gần khu vực đảo Hải Nam.
Phó Tổng giám đốc CNOOC đã từ chối khẳng định rằng Tập đoàn này có đưa giàn khoan Hải Dương-981trở lại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hay không. Song, ông Vương tuyên bố Hải Dương-981đang tiến hành khoan ở khu vực giếng Lăng Thủy 25-1 và ở lại đây hết mùa hè năm nay. CNOOC còn lên kế hoạch đệ trình bản báo cáo về trữ lượng dầu khí ở giếng Lăng Thủy 25-1 lên chính phủ Trung Quốc vào cuối năm nay.
Theo ông Vương, CNOOC nhận thấy rằng hoạt động khoan ở Lăng Thủy 25-1 là dễ dàng hơn so với Lăng Thủy 17-2. Ngoài ra, giếng Lăng Thủy 25-1 được cho có trữ lượng dầu khí lên tới 50 tỷ m3 và khả năng khai thác là 70%. Trữ lượng dự kiến của giếng Lăng Thủy 17-2 là trên 100 tỷ m3 và dự kiến được đưa vào khai thác trong năm 2020.
CNOOC đặt mục tiêu khai thác từ 1,5 - 2,5 tỷ m3 dầu khí/năm đến năm 2020 và tăng lên 7,5 - 10 tỷ m3 dầu khí/năm cho tới năm 2030. Ông Vương nhấn mạnh sản lượng khai thác của Tập đoàn còn tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.
CNOOC vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng về việc nên hay không nên sử dụng tàu FLNG kết nối với một giàn khai thác dầu khí hoạt động cố định ở vùng nước nông, để khai thác giếng Lăng Thủy 17-2. Tàu FLNG hoạt động như một nhà máy hóa lỏng trên biển có thể chiết xuất và hóa lỏng khí đốt trước khi chuyển cho tàu chở dầu để đưa vào bờ. Song, ông này cũng mập mờ khẳng định CNOOC đang nghiêng về phương án xây một hệ thống sản xuất dưới mặt nước liên kết với một giàn khai thác dầu khí hoạt động cố định ở vùng nước nông.
Trước đó, chia sẻ với Interfax Energy, ông Yang Shubo, Tổng Giám đốc phụ trách xây dựng dự án tại CNOOC cho hay Tập đoàn này đang cân nhắc giữa 3 sự lựa chọn để khai thác giếng Lăng Thủy 17-2. Song, ông này cũng mập mờ cho rằng CNOOC đang nghiêng về phương án xây một hệ thống sản xuất dưới mặt nước liên kết với một giàn khai thác dầu khí hoạt động cố định ở vùng nước nông. Sau đó, giàn khoan này sẽ chuyển khí đốt vào đất liền thông qua một hệ thống đường ống dẫn mới được xây dựng dưới lòng biển.
“Chi phí xây dựng đường ống dẫn sẽ tiết kiệm hơn và có năng suất vận chuyển là hơn 6 tỷ m3/năm. Song đảo Hải Nam không có nhu cầu sử dụng nhiều khí đốt như vậy, chúng tôi sẽ tập trung vận chuyển khí đốt tới Đồng bằng Châu Giang”, Phó Tổng giám đốc Vương cho biết.