Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra một tuần trước thời hạn 15/12/2014 mà Tòa án Trọng tài ấn định để Bắc Kinh trả lời các cáo buộc Manila nêu lên.
Lập trường của Trung Quốc kiên quyết phản đối việc xét xử trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) những tranh chấp lãnh thổ với Philippines ở Biển Đông sẽ không thay đổi, bất kể các hành động của Philippines và quyết định của tòa án. Đây là tuyên bố của Giám đốc Cục Hiệp ước - pháp lý Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Xu.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên bố ưu tiên giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại trực tiếp. Trong tuyên bố của mình, ông Hồng Xu còn cho rằng, Philippines đã ngoan cố đâm đơn ra tòa án quốc tế thay vì đối thoại trực tiếp với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đúng lập trường của mình, không tham gia ở tòa án quốc tế, ông Hồng Xu tuyên bố.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở gần giàn khoan Hải Dương 981 sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng biển Việt Nam. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lên án ý đồ của Philippines "không phải là để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông, mà là gây sức ép chính trị trên Trung Quốc".
Sau khi Trung Quốc có những hành động hung hăng ở Biển Đông, phía Philippines hồi đầu năm 2013 bắt đầu gửi hồ sơ vụ kiện tới Tòa án trọng tài để tìm kiếm sự công bằng và kiềm chế yêu sách Đường 9 đoạn của Trung Quốc. Với vụ kiện này, các quan chức Manila ước tính, phải mất khoảng 3 năm đến 4 năm để tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng cho vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Chính phủ Philippines cũng đã trình tài liệu pháp lý dài 4.000 trang, vốn bao gồm các bằng chứng văn bản và bản đồ, để phản đối sách yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã vài lần tuyên bố không tham gia vụ kiện và khăng khăng chỉ tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Philipines, nhưng tòa án vẫn cho Bắc Kinh thời hạn chót tới ngày 15/12/2014 để gửi phản biện.
Bắc Kinh đã nhiều lần đưa ra đường yêu sách "lưỡi bò" để tuyên bố chủ quyền trái phép đối với 80% diện tích Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc không đưa ra được bất cứ chứng cứ pháp lý hay lịch sử nào thuyết phục để hậu thuẫn cho các yêu sách chủ quyền của mình.