Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã ngang ngược xây dựng một hòn đảo mới trên đá Ga Ven và Đá Lạc thuộc cụm Nam Yết ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, Trung Quốc cho xây nền bê tông tại phía tây của bãi đá. Cấu trúc này còn được củng cố thêm bằng các hệ thống phòng không và súng hải quân, cùng với các thiết bị viễn thông.
|
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Ga Ven từ tháng 3 đến tháng 8/2014. |
Tuy nhiên, những hình ảnh từ máy bay và vệ tinh của Công ty Vũ trụ và Quốc phòng Airbus vào ngày 31/8 và 7/8 cho thấy giữa 2 ngày này đã có một kênh đào cắt qua trung tâm bãi đá Ga Ven và cả lượng nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo có kích thước 300m x 250m. Cùng với một mũi đất dẫn ra kênh, hòn đảo nhân tạo có diện tích khoảng 114.000m2.
Cũng như cách Trung Quốc đã xây dựng trên đá Gạc Ma hay Châu Viên, Trung Quốc bao quanh hòn đảo mới bằng một bức tường ngăn sóng biển bằng bê tông.
Việc nạo vét thăm dò và cải tạo đất của Trung Quốc chủ yếu được thực hiện bởi tàu Tian Jing Hao, một tàu nạo vét có trọng lượng hơn 6000 tấn, dài 127m, được xem là lớn nhất trong các tàu cùng loại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, con tàu này cũng từng xuất hiện tại bãi đá Ga Ven từ ngày 24/5 đến 15/6.
Dựa trên hình ảnh ngày 7/8, việc xây dựng hòn đảo ở đá Ga Ven không tiến triển quá xa như ở Gạc Ma hay Châu Viên. Ở đây vẫn chưa có bến tàu hoặc nền móng cho các công trình xây dựng như ở Gạc Ma, tuy nhiên ở đây có doanh trại, các container và vật liệu xây dựng.
Các bức tường chắn sóng ở Ga Ven, Châu Viên và Gạc Ma đều cho thấy Trung Quốc có kế hoạch xây dựng sân bay trên đảo chỉ là ưu tiên thứ 2 sau việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đảo trước khi mùa bão đến.
|
Tiền đồn của Trung Quốc trên đá Chữ Thập, Trường Sa. |
Hai chuyên gia James Hardy và Sean O'Connor của tờ IHS Jane’s bình luận, Bắc Kinh tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo dù cho những lý lẽ của họ rất thiếu thuyết phục.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, những hoạt động của Trung Quốc tại các đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa là nằm trong vùng chủ quyền của nước này và “hoàn toàn hợp pháp”.
Bà Hoa còn cho rằng “mục đích xây dựng trên các đảo này là nhằm cải thiện điều kiện sinh sống và làm việc cho người dân Trung Quốc đang sống ở các đảo này”.
Khi bị một phóng viên hỏi vặn rằng: “Trên thực tế, những đảo mà Trung Quốc đang xây dựng là những đảo mới thì không có chuyện xây dựng để cải thiện điều kiện sống của những cư dân trên đó. Vậy mục đích thật sự và ý định của Trung Quốc trong việc làm này là gì?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lảng tránh bằng câu trả lời: “Tôi đã trả lời câu hỏi của bạn”.
Nhà bình luận Shannon Tiezzi của tờ Diplomat cho rằng cũng có thể Bắc Kinh đang có kế hoạch đưa dân đến các đảo mới này để sinh sống nhằm củng cố những tuyên bố đòi chủ quyền của nước này ở biển Đông.
Cũng có khả năng việc xây dựng các đảo này nhằm đối phó với vụ kiện của Philippines. Bởi theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển quốc tế (UNCLOS), các nước không thể tuyên bố chủ quyền ở những khu vực như bãi đá chìm. Philippines đã dựa trên cơ sở thực tế này để đưa những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ra Hội đồng trọng tài quốc tế.
Ngoài ra, phần VII của UNCLOS quy định rõ: “Những bãi đá, nơi mà con người không thể cư trú hoặc duy trì đời sống kinh tế thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.
Hai chuyên gia James Hardy và Sean O'Connor của tờ IHS Jane’s còn bình luận cho rằng, các sự kiện trong lịch sử xung đột ở Biển Đông cho thấy những cơ sở như vậy có thể được dùng làm điểm xuất phát cho cuộc tấn công vào các thực thể gần đó, mặc dù đến nay Trung Quốc vẫn nhấn mạnh đòi yêu sách bằng sử dụng tàu bán quân sự và biện pháp bao vây.