Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 353.000 tấn với giá trị đạt 156 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp, giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt 450 USD/tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Ảnh minh họa: hmnfoodco.com |
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015, đạt 1,51 triệu tấn và 678,7 triệu USD.
Thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 10 tháng năm 2016 là Gana với 11,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 10 tháng đạt 442,2 nghìn tấn và 217,1 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 33,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý là thị trường Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với 7,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 359,6 nghìn tấn và 142,5 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và tăng 53,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (61,6%), Malaysia (51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (29,1%), Hoa Kỳ (28,3%) và Hồng Kông (7,7%).
Trong tháng 11/2016, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều, với xu hướng tăng nhẹ chiếm ưu thế. Tình hình xuất khẩu gạo vẫn bế tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn.