Trung Quốc lấn lên trời
Việc thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ECSADIZ) sẽ cung cấp “cơ sở pháp lý” để quân đội Trung Quốc ứng phó với những trường hợp máy bay quân sự nước ngoài bay vào khu vực trên và đây là một bước nhằm khẳng định chủ quyền với Senkaku/Điếu Ngư.
Tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo đang kêu gọi hơn 600.000 người Trung Quốc sống ở Nhật đăng ký để “được hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp bất ngờ”. Bản đăng ký được tải lên trang web của đại sứ quán từ đầu tháng 11 nhưng nay mới gây chú ý rộng rãi.
Nhà phân tích Hiroko Maeda tại Viện PHP (Nhật Bản) cảnh báo động thái mới nhất của Trung Quốc có thể khiến Nhật Bản mất dần kiểm soát với khu vực. “Trung Quốc đã phái tàu đến đó. Giờ họ tìm cách lấn lướt trên không”, ông Maeda nói.
Máy bay Tu-154 của Trung Quốc bị phát hiện trên bầu trời biển Hoa Đông hôm 23-1. Ảnh: The-japan-news.com
|
Điển hình cho nhận định này là việc nhiều hãng hàng không châu Á - như Korean Air (Hàn Quốc), Qantas (Úc)... chấp nhận báo kế hoạch bay cho Trung Quốc trước khi vào ECSADIZ dù khẳng định lộ trình bay sẽ không bị ảnh hưởng. Ngay cả Cục Hàng không dân dụng Nhật Bản và Đài Loan cũng khuyến cáo “các hãng hàng không hết sức cẩn thận” trong khu vực trên.
“Không ai muốn ở vào vị trí phải ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc bằng cách cung cấp thông tin như vậy. Nhưng đáng sợ là cuộc chơi đã khởi động, quần đảo Senkaku đã trở thành tâm điểm của các vùng chồng lấn”, một nhà ngoại giao châu Á e ngại.
Ngày 24/11 trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối chính thức phản ứng của Mỹ liên quan tới vụ việc. Bắc Kinh cũng hối thúc Mỹ “không đứng về phía nào” trong vụ này.
Nhật Bản “không để yên”
Ngay sau khi công bố ECSADIZ, Trung Quốc triển khai phi cơ trinh sát Tu-154 và máy bay vận tải quân sự Y-8 đến khu vực trên để “tuần tra”. Tokyo lập tức điều 2 máy bay chiến đấu F-15 lên ngăn chặn. Chiếc Tu-154 bay cách khu vực mà Nhật Bản xem là không phận phía trên Senkaku/Điếu Ngư chỉ 40 km, còn chiếc Y-8 bay cách Senkaku khoảng 300 km về phía Bắc. Sau đó, 2 máy bay Trung Quốc quay trở về và không xảy ra sự cố nào.
Trên mặt trận ngoại giao, Nhật Bản và Trung Quốc hôm qua đồng loạt triệu đại sứ của nhau tới để phản đối. Cùng ngày, phát biểu tại một ủy ban quốc hội, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói: “Tôi vô cùng lo ngại vì hành động hết sức nguy hiểm này của Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả không thể ngờ tới. Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc tự kiềm chế trong khi tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế”.
Báo chí Nhật Bản cũng vào cuộc trợ chiến. Tờ Morden Tokyo Times nhận định động thái của Trung Quốc chính là phát động “cuộc tấn công xâm lược” chủ quyền Nhật Bản. Còn tờ Sankei Shimbun đe dọa: “Nếu xảy ra những sự việc không mong muốn thì Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Học giả Jun Okumura thuộc Trường ĐH Meiji (Nhật Bản) nhận định sau khi Trung Quốc thiết lập ECSADIZ thì Nhật Bản chắc chắn không để yên khi máy bay Trung Quốc đi vào không phận. “Xung đột trên không sẽ nổ ra, thậm chí có thể khai hỏa. Hai nước đều không muốn xảy ra sự cố nghiêm trọng song các diễn biến gần đây rất dễ dẫn đến những quyết định sai lầm”, ông Okumura nói.
Đáng lo ngại hơn, trong tuyên bố ngày 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói sẽ còn lập ra các vùng nhận dạng phòng không tương tự. Tuy không nêu rõ địa điểm nhưng hiện nay Bắc Kinh còn yêu sách chủ quyền trên biển Đông với các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei.
Hàn Quốc vào cuộc
Một nguồn tin quân sự Seoul ngày 24/11 cho biết ECSADIZ của Trung Quốc chồng lấn một phần không phận phía Tây đảo Jeju cũng như toàn bộ không phận của bãi đá ngầm Ieodo thuộc nước này. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok nói 2 nước sẽ thảo luận sâu hơn tại hội đàm cấp thứ trưởng quốc phòng ở Seoul, dự kiến diễn ra ngày 28/11.
Cùng ngày 24/11, Đài Loan họp khẩn cấp để bàn cách bảo đảm an toàn không phận vì hòn đảo này cũng tuyên bố chủ quyền đối với Điếu Ngư Đài (cách họ gọi Senkaku/Điếu Ngư).
Một nguồn tin quân sự Seoul ngày 24/11 cho biết ECSADIZ của Trung Quốc chồng lấn một phần không phận phía Tây đảo Jeju cũng như toàn bộ không phận của bãi đá ngầm Ieodo thuộc nước này. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok nói 2 nước sẽ thảo luận sâu hơn tại hội đàm cấp thứ trưởng quốc phòng ở Seoul, dự kiến diễn ra ngày 28/11.
Cùng ngày 24/11, Đài Loan họp khẩn cấp để bàn cách bảo đảm an toàn không phận vì hòn đảo này cũng tuyên bố chủ quyền đối với Điếu Ngư Đài (cách họ gọi Senkaku/Điếu Ngư).