Báo cáo hàng năm "Cán cân quân Sự 2016” (Military Balance 2016) của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London nhận định chi phí quân sự Châu Á tăng vọt trong năm 2015 chủ yếu do ngân sách quốc phòng ngày càng phình to của Trung Quốc.
Trung Quốc “thống trị” Châu Á về chi tiêu quân sự, với ngân sách lên đến khoảng 356 tỷ USD, chiếm 40% tổng số tiền Châu Á chi cho quốc phòng. |
Theo IISS, chi phí quốc phòng của Châu Á trong năm nhiều hơn gần 100 tỷ USD so với chi phí quân sự toàn bộ các nước thành viên Châu Âu của NATO gộp lại.
Trung Quốc “thống trị” Châu Á về chi tiêu quân sự
Theo IISS, trong năm 2015, Trung Quốc dẫn đầu với mức tăng 11% ngân sách quốc phòng. Trung Quốc “thống trị” Châu Á về chi tiêu quân sự, với ngân sách lên đến khoảng 356 tỷ USD, chiếm 40% tổng số tiền Châu Á chi cho quốc phòng. Phần giới thiệu báo cáo “Cán cân quân sự 2016” có đoạn viết: “Trong năm 2015, Trung Quốc theo đuổi lập trường ngày càng quyết đoán liên quan đến chủ quyền lãnh thổ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Báo cáo nhắc lại việc Trung Quốc bồi đắp trái phép 7 bãi đá ngầm hoặc rạn san hô mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, đồng thời tiếp tục việc mở rộng đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà nước này đánh chiếm của Việt Nam.
Một số nhà phân tích đã liên kết nỗ lực xây dựng của Trung Quốc với một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm vào các mục đích chiến lược lâu dài, đặc biệt là bảo vệ các tuyến đường biển, các tuyến đường quá cảnh và rất có thể là để tạo ra một khu vực triển khai tàu ngầm tên lửa của Trung Quốc.
Tất cả những hoạt động kể trên đã khiến cho chi phí quốc phòng Trung Quốc tăng vọt, với hệ quả là các nước Châu Á đang bị Trung Quốc “chèn ép” phải chạy theo.
Một số nước ven Biển Đông cũng phải chạy theo
Theo phân tích của ông Tim Huxley, Giám đốc Điều hành chuyên trách Châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore, chiến lược của Việt Nam là làm cho vùng lãnh hải quanh nước mình trở nên nguy hiểm đối với Trung Quốc trong trường hợp có chiến tranh. Động thái chủ chốt của Việt Nam thời gian gần đây là xây dựng một hạm đội tàu ngầm, vũ khí truyền thống của một lực lượng hải quân nhỏ đối mặt với một lực lượng lớn. Trong tình hình hiện nay, điều này rất có ích vì năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc hiện không mạnh.
Một nước khác trong khu vực cũng có tranh chấp biển với Trung Quốc là Philippines. Động thái chính của Philippines là việc đặt mua 12 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA50 của Hàn Quốc vào năm 2014 để khôi phục lực lượng không quân. Ông Huxley cho biết quân đội Philippines có kế hoạch tốt về việc hiện đại hóa nhưng các chính trị gia lại có các ưu tiên khác. Chi tiêu quốc phòng của Philippines chiếm 1,1% GDP vào năm 2014, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Malaysia, một nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đang ngày càng quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở đó trong năm ngoái, theo viện IISS. Nhưng do kinh tế đất nước bị chậm lại và chính phủ ưu tiên cho chi tiêu trong nước “đã hạn chế nỗ lực phát triển năng lực hải quân và không quân mà giới lãnh đạo quân sự thấy cần thiết để ứng phó với Trung Quốc”. Malaysia chi 1,5% GDP cho quốc phòng trong năm 2014.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự lấn át của Trung Quốc có ảnh hưởng đến chính sách mua sắm quốc phòng của Singapore. Trong số các nước Đông Nam Á, Singapore hiện chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng, đạt mức 3,3% GDP năm 2014, mặc dù quy mô lãnh thổ chỉ bằng một thành phố và dân số ít hơn nhiều các nước ven Biển Đông, trừ Brunei.