Tuy nhiên, Trung Đông thời hậu thánh chiến sẽ không bình yên mà còn hứa hẹn có nhiều lửa khói. Sau bốn năm khói lửa, chiến tranh đã làm cho bộ mặt Trung Đông đổi khác đến mức không thể phục hồi.
"Trung Đông thời hậu thánh chiến" không bình yên mà còn hứa hẹn có nhiều lửa khói. Ảnh: The Atlantic |
Thứ nhất, cánh Hồi giáo cực đoan của hệ phái Sunni sẽ cùng với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo mất đi ít nhất hai tham vọng: lật đổ chính quyền Syria và kiểm soát miền bắc Iraq. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của hệ phái Sunni, vốn sản sinh ra Al Qada và ISIS cũng như những chân rết khủng bố khác, sẽ tồn tại. Họ sẽ tiến hành chiến tranh du kích, khủng bố ở Trung Đông và nhiều nơi khác.
Hai chế độ ở Damascus và Bagdad sẽ đối xử ra sao với cộng đồng Sunni: tiếp tục trấn áp hay đối xử công bằng? Họ có xem nhu cầu tái thiết Raqqa và Mosul là ưu tiên hay không?
Trở lực lớn nhất vẫn là thiết lập cân bằng tương quan lực lượng. Nhưng liệu các nước “bảo trợ” có chấp nhận luật chơi hay không? Trong cuộc chiến này, Nga và Iran đứng về phía Damascus. Nhưng từ nay, Syria không còn là một nước có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Nói đến Nga và Iran thì phải nhớ đến Mỹ của Donald Trump. Trong giai đoạn tranh cử, Donald Trump đã dành không biết bao nhiêu lời ưu ái ca ngợi Vladimir Putin và Bashar al-Assad. Thế mà một năm sau, khi vào Nhà Trắng, Donald Trump xem Iran là kẻ thù số một, muốn trừng phạt chế độ Hồi giáo Shi’ite của Teheran. Tổng thống Mỹ muốn dựa vào A-rập Xê-út và Israel để chống lại chính sách bành trướng của Iran.
Điện Kremlin sẽ phản ứng ra sao? Le Monde đặt câu hỏi. Từ khi can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến Syria, nước Nga đã trở lại khu vực ở thế mạnh và bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Nga cũng có phần trách nhiệm cho tương lai Trung Đông. Thủ tướng Netanyahu đã cảnh báo chủ nhân điện Kremlin: Israel không để cho Iran “mở mặt trận” ở biên giới phía tây của Israel. Không một tháng nào mà máy bay Israel không tấn công các đoàn xe của Hezbollah chở tên lửa của Iran. Theo Le Monde, những cuộc oanh kích này có thể vượt tầm kiểm soát vì theo thông lệ, sau một cuộc chiến sẽ xảy ra một cuộc chiến khác.