Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp theo hướng tăng quyền hạn cho tổng thống tại Thổ Nhĩ Kỳ không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Với 51,5% số ý kiến ủng hộ, cánh cửa đã rộng mở đối với Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan trong nỗ lực củng cố quyền lực.
Với 51,5% số ý kiến ủng hộ, cánh cửa đã rộng mở đối với Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan trong nỗ lực củng cố quyền lực. Ảnh: Sputnik |
Tuy nhiên, kết quả này cũng phản ánh sự chia rẽ lớn trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và những thách thức cả đối nội và đối ngoại gắn liền với sự sửa đổi này là không hề nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống Erdogan.
Theo dự luật sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hồi tháng 2, Tổng thống Erdogan, người sáng lập đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, có thể tiếp tục nắm giữ cương vị tổng thống đến năm 2029 với 2 nhiệm kỳ, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2019.
Dự luật cũng cho phép tổng thống được ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp, bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán quốc hội. Những người ủng hộ coi dự luật này là chìa khóa bảo đảm cho sự ổn định chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn biến động hiện nay, trong khi phe đối lập tố cáo đây là hành động thâu tóm quyền lực của Tổng thống Erdogan.
Đặt trong bối cảnh an ninh nhiều bất ổn hiện nay, với các nguy cơ nghiêm trọng từ sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước và tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở hai nước láng giềng là Iraq và Syria, thêm vào đó tình hình chính trường phức tạp với nhiều phe phái đối địch ở Thổ Nhĩ Kỳ, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp coi đây một chuyển động tích cực.
Việc mở rộng quyền hạn của tổng thống sẽ cho phép ông Erdogan dễ dàng hơn trong điều hành đất nước, tăng cường các biện pháp an ninh và kiểm soát được hoạt động chống phá từ bên trong lẫn bên ngoài, từ đó hy vọng giúp giảm thiểu các nguy cơ đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, kết quả sít sao của cuộc trưng cầu ý dân phản ánh sự chia rẽ, mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ. 51,5% số ý kiến ủng hộ tăng quyền hạn cho tổng thống cũng đồng nghĩa với gần chừng ấy số cử tri nói “Không” với kế hoạch này.
Điều này đặt ra bài toán khó cho chính quyền Tổng thống Erdogan, đó là hòa giải dân tộc, trong khi đã xuất hiện các hành động phản kháng, dù mới bắt đầu manh nha tại một số thành phố lớn, song sẽ trở nên khó kiểm soát nếu chính quyền không phản ứng khéo léo và thận trọng. Những mâu thuẫn phe phái chưa bao giờ thôi âm ỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Thực tế đã chứng minh việc xử lý các mâu thuẫn nội bộ không thỏa đáng là nguyên nhân khiến các vụ đảo chính quân sự đã trở thành những “điểm đen” trong lịch sử chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, không kể cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái, tại đất nước nằm ở điểm giao cắt giữa lục địa Á – Âu này đã xảy ra 6 cuộc đảo chính quân sự vào các năm 1960, 1971, 1980, 1997, 2007 và 2010, trong đó có 4 cuộc đảo chính thành công và 2 cuộc đảo chính thất bại. Các cuộc đảo chính luôn khiến tình hình chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ bấp bênh và tác động tiêu cực tới hình ảnh của nước này trên trường quốc tế.
Hiến pháp sửa đổi cho phép tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay Tổng thống Erdogan, nhưng việc thi triển quyền lực đó như thế nào để có thể đoàn kết nội bộ và hòa giải dân tộc, ổn định chính trị để phát triển kinh tế đất nước là điều mà phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đang hoài nghi.
Trong khi đó, thách thức đối ngoại liên quan tới sửa đổi Hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đơn giản. Ankara đang trong tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU), và theo góc nhìn của phương Tây, những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ được cho là trái với các tiêu chuẩn về dân chủ và nhân quyền của EU.
Trên thực tế, quan hệ hai bên thời gian qua đã tổn hại nghiêm trọng sau khi chính phủ nhiều nước EU đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về phản ứng mà họ cho là thái quá của chính quyền Tổng thống Erdogan sau vụ đảo chính bất thành năm ngoái. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, được tái khởi động từ tháng 6/2016, bị "đóng băng".
Nhiều chính trị gia bảo thủ của EU coi kết quả trưng cầu ý dân ở Thổ Nhĩ Kỳ là tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo theo khuynh hướng Hồi giáo bảo thủ này trở thành một nhà độc tài chuyên quyền. Ngay trước cuộc trưng cầu trên, mâu thuẫn giữa Ankara với một số nước EU đã leo thang khi Tổng thống Erdogan gọi các nhà lãnh đạo Đức và Hà Lan là “phát xít”, do hai nước cấm tổ chức các cuộc mít tinh có sự tham dự của các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ để kêu gọi cử tri ở nước ngoài ủng hộ sửa đổi Hiến pháp.
Vì vậy, kết quả cuộc trưng cầu ý dân này sẽ khoét sâu những khác biệt giữa các nhà lãnh đạo EU và chính quyền của Tổng thống Erdogan, dựng thêm lên những hàng rào nghi kỵ, từ đó tác động tới những mục tiêu đối ngoại của Ankara.
Tuy nhiên, thách thức này không quá lớn đối với Tổng thống Erdogan khi ông sở hữu một quân át chủ bài trong quan hệ với Brussels, đó là thỏa thuận về người di cư. Trong hai năm qua, các cuộc xung đột vũ trang tại nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi đã kéo theo cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng đè nặng lên châu Âu.
“Lục địa Già” đã và đang phải gồng mình với gánh nặng từ dòng người di cư, không chỉ đơn giản trên phương diện kinh tế, xã hội mà lớn hơn rất nhiều, đó là vấn đề đảm bảo an ninh. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố gần đây ở các thành phố vốn được coi là trung tâm châu Âu cho thấy không ít những phần tử khủng bố, cực đoan đã trà trộn vào dòng người di cư để thực hiện những tội ác đẫm máu, gây hoang mang cho châu Âu.
Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “vùng đệm” làm tăng tính an toàn cho châu Âu với thỏa thuận ngày 18/3/2016 nhằm chặn dòng người tị nạn trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ tới EU, một bước đi được Brussels ca ngợi là điểm khởi đầu mới cho quan hệ với Ankara.
Thực tế, nhờ thỏa thuận này, dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ sang châu Âu đã giảm mạnh. Và châu Âu, nhất là Đức, không hề muốn đẩy thỏa thuận về người nhập cư vào tình thế nguy hiểm. Nói cách khác, an ninh của châu Âu đang phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ và chính sự ràng buộc lợi ích này buộc các nhà lãnh đạo EU phải thận trọng trong các phản ứng của mình sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố.
Rõ ràng, đối với Tổng thống Erdogan, thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý này là con dao hai lưỡi với cơ hội và thách thức đan xen. Trước mắt, ông Erdogan sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ hóa giải các thách thức mà nếu không khôn khéo, chính quyền Ankara khó tránh được các hậu quả khôn lường, có thể đẩy đất nước rơi vào thời kỳ hỗn loạn mới.