Joaquin Guzman, thường được biết đến với biệt danh “El Chapo” trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới được chuyển tới Nhà tù Trung tâm New York (MCC) sau khi bị kết luận có liên quan tới hàng loạt vụ giết người và buôn ma túy tại Tòa án liên bang Brooklyn hôm 20/1.
Trước đó, ông trùm tập đoàn tội phạm Sinaloa khét tiếng được dẫn độ sang Mỹ từ Mexico, nơi Guzman đã hai lần trốn khỏi những nhà tù được canh giữ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, Guzman được cho là rất khó trốn khỏi MCC, bởi nhiều khả năng y đang bị biệt giam tại phòng số 10 cánh Nam. Đây là khu vực có an ninh cực cao, chuyên giam giữ những tên tội phạm nguy hiểm nhất trong điều kiện cách ly hoàn toàn.
Trùm ma túy El Chapo được dẫn độ từ Mexico sang Mỹ hôm 20/1. Ảnh: Reuters. |
Guantanamo còn 'dễ chịu hơn'
Theo một báo cáo đánh giá của tòa án mà New York Daily News tiếp cận được, Ahmeh Ghailani, tù nhân người Tanzania đang thụ án chung thân ở MCC do tham gia vụ đánh bom hai đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi năm 1998, nói với chuyên gia tâm lý rằng trại tập trung ở vịnh Guantanamo còn “thoải mái hơn”, “dễ chịu hơn” MCC.
“Trong khi tại Guantanamo, anh ta (Ghailani) có thể giao lưu với những người khác, xem DVD, nhìn chung là cảm thấy không gian tự do hơn cho những người bị giam giữ”, giáo sư tâm lý học Gregory Saathoff (Đại học Virginia) viết trong báo cáo dựa trên các cuộc trò chuyện với Ghailani năm 2010.
Tại MCC, Ghailani ca thán là anh ta không bao giờ được giao tiếp với những tù nhân khác. Sự tương tác con người duy nhất là việc quản giáo thường xuyên khám xét cơ thể tù nhân. Dù vậy, Ghailani, người đến nay đã thụ án 2 năm tại MCC, cho rằng quy trình pháp luật dân sự ở Mỹ “công bằng hơn” so với hệ thống tư pháp quân đội ở Cuba.
Nhà tù Trung tâm New York là nơi giam giữ nhiều tên tội phạm nổi tiếng nhất nước Mỹ. Ảnh: AP. |
MCC, hoạt động từ năm 1975, là nơi giam giữ những tên tội phạm nổi tiếng như Ramzi Ahmed Yousef, kẻ cầm đầu vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 hay Bernard Madoff, người bị bắt năm 2008 trong vụ gian lận chứng khoán lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Nhà tù này hiện có khoảng 800 tù nhân và có tiếng với các biện pháp an ninh gắt gao.
Uzair Paracha, một người Mỹ gốc Pakistan, bị giam tại MCC trong 2 năm vì tội hỗ trợ Al Qaeda, cho biết tù nhân thường bị giảm thị lực vì ánh sáng trong nhà tù được bật 23-24 tiếng/ngày. Cửa sổ kính tù mù cũng ngăn mọi tầm nhìn ra bên ngoài, trong khi khe nhỏ trên cánh cửa phòng giam luôn bị đóng lại.
'Kinh hoàng và vô nhân tính'
Hiện chưa rõ liệu Guzman có tiếp tục bị giam tại MCC sau khi Tòa liên bang Brooklyn tuyên án hay không. Nhiều tù nhân đối mặt với các cáo buộc cấp liên bang thường bị giữ tại một nhà tù lớn hơn ở Sunset Park, nhưng một số khác vẫn bị giam tại MCC.
Nói với New York Times trong một email hôm 23/1, David Patton, một trong những đại diện pháp lý của Guzman, nói rằng các khu cách ly hoàn toàn ở MCC là “kinh hoàng và vô nhân tính”.
“Nếu bạn chủ tâm muốn thiết kế một nơi để làm người ta phát điên, bạn sẽ khó làm tốt hơn MCC”, ông Patton nói. “Đèn huỳnh quang luôn bật sáng… Âm thanh duy nhất là tiếng kim loại thỉnh thoảng vang lên khi đóng mở cửa”.
Theo Cục Thống kê Tư pháp Mỹ, nước này có khoảng 80.000 tù nhân đang bị biệt giam. Cho rằng đây là một biện pháp phản tác dụng, cựu tổng thống Barack Obama đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế hình thức giam giữ này hồi tháng 1 năm ngoái.
“Tại sao chúng ta bắt những tù nhân phải chịu sự giam giữ cách ly một cách không cần thiết, thừa biết hệ quả của việc đó nhưng rồi vẫn kỳ vọng họ hòa nhập cộng đồng như những con người nguyên vẹn?”, ông Obama viết trong một bài xã luận trên Washington Post. “Điều đó không làm chúng ta an toàn hơn. Đó là sự sỉ nhục đối với sự nhân đạo phổ quát”.
Ngược lại, tân Tổng thống Donald Trump từng phát đi những dấu hiệu cho thấy ông có thể hủy bỏ sắc lệnh của người tiền nhiệm. Ông Trump thường xuyên có những phát biểu ủng hộ hình phạt tử hình và tự cho mình là một “ứng viên của pháp luật và trật tự”.