Sputnik dẫn nguồn từ một cuộc họp báo ở thành phố Kazan vào hôm 4/3 cho biết, công ty vô tuyến – điện tử Radio-Electronic Technologies Concern (KRET) của Nga đã bắt đầu chuyển giao lô trực thăng được tích hợp hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến Richag-AV đầu tiên cho Quân đội Nga.
Richag-AV được tích hợp trên biến thể trực thăng vận tải đa năng Mi-8MTPR1 (một biến thể khác của Mi-8MTB5-1). Nó được thiết kế để có thể gây nhiễu và vô hiệu hóa hệ thống radar, thiết bị định vị và các hệ thống điện tử khác trong các tổ hợp phòng không của đối phương từ khoảng cách hàng trăm km.
Biến thể trực thăng vận tải Mi-8 với một thiết bị tác chiến điện tử. |
Bên cạnh đó Richag-AV còn có thể dễ dàng được tích hợp vào các loại phương tiện khác đang được Quân đội Nga sử dụng như các loại máy bay, máy bay trực thăng, phương tiện di chuyển mặt đất hay lực lượng tàu nổi.
Hệ thống tác chiến điện tử Richag-AV tích hợp trên Mi-8 được trang bị một ăng-ten mảng đa chùm sử dụng công nghệ DRFM, thiết kế để có thể gây nhiễu và vô hiệu hóa hệ thống radar phòng không cũng như các thiết bị dẫn đường cho tên lửa phòng không của đối phương. Một khi được triển khai, Richag-AV có thể phá vỡ hoàn toàn bất cứ hệ thống phòng không nào thậm chí kể cả tổ hợp tên lửa đánh chặn MIM-104 Patriot của Quân đội Mỹ.
Ngoài khả năng hoạt động như một hệ thống gây nhiễu điện tử, Richag-AV còn có thể được sử dụng như một hệ thống trinh sát điện tử bằng cách dò tìm ra các nguồn bức xạ điện từ xuất hiện từ bên ngoài. Qua đó, có thể nhanh chóng xác định các loại mục tiêu hay thiết bị hoạt động trong khu vực, giúp kíp vận hành Richag-AV đưa ra các biện pháp áp chế điện tử hiệu quả.
Theo tài liệu mà KRET công bố thì Quân đội Nga đã nhận được 3 trực thăng Mi-8MTPR1 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Richag-AV và Nga sẽ đưa vào trang bị ít nhất 18 hệ thống như vậy trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2016, với tổng giá trị ước tính lên tới 186 triệu USD.
Hệ thống tác chiến điện tử mặt đất 1L269 Krasuha-2 của Quân đội Nga. |
Ngoài Richag-AV còn có một hệ thống tác chiến điện tử tiền nhiệm là Smalta được Liên Xô thiết kế từ những năm 1970, nó có thể hoạt động hiệu quả trong bán kính 100km và từng là hệ thống áp chế điện tử tốt nhất trên thế giới. Cùng với Richag-AV, Quân đội Nga cũng đang sử dụng thêm một số hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới khác như hệ thống tác chiến điện tử trên không L-175B Hibini và 1L267 Moskva-1 hay hệ thống tác chiến điện tử mặt đất 1L269 Krasuha-2.
KRET là một trong những công ty chế tạo thiết bị vô tuyến điện tử lớn nhất của Nga, nó cũng là một công ty con của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec. Được thành lập vào năm 2009, KRET chuyên chế tạo và sản xuất thiết bị vô tuyến điện tử được sử dụng trong các ngành công nghiệp hàng không dân dụng và quân sự, cũng như các hệ thống radar giám sát, hệ thống tác chiến điện tử và các thiết bị chính xác.