Tuy nhiên, việc “tự cung tự cấp” thực phẩm như vậy đang khiến bộ mặt đô thị trở nên nhem nhuốc, thậm chí là nguồn gốc ủ bệnh.
Lướt qua các diễn đàn, trang mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp các chị em nội trợ chia sẻ kinh nghiệm làm vườn trong nhà. Thậm chí, có người đã đầu tư hàng chục triệu đồng cho cách làm này.
Ở phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) chuyện trồng rau trong nhà cũng diễn ra khá phổ biến. Thậm chí không ít hộ có thâm niên hàng chục năm đưa rau lên sân thượng, ban công để trồng. Bà Trần Thị Tuất ở phố Cù Chính Lan là một ví dụ.
Trồng rau giữa phố: Tưởng sạch mà chưa chắc “sạch”. |
Theo bà Tuất, hiện bà sử dụng nhiều hộp nhựa để trồng mồng tơi, rau muống, hành, tỏi, dưa leo... Căn nguyên xuất phát việc làm này nhằm “mua lấy sự an tâm”. “Bây giờ đi ra chợ mua rau thấy hoang mang quá. Thông tin rau bị phun thuốc, rửa bằng nước bẩn nhan nhản trên các phương tiện khiến chúng tôi không dám ra chợ mua rau” – bà Tuất bộc bạch.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cấy rau cỏ, nhiều hộ dân Thủ đô còn tận dụng không gian sân thượng để chăn nuôi gia cầm như gà, vịt, chim bồ câu… nhằm tự cung nguồn thịt sạch. Việc chăn nuôi, trồng cấy còn được mở rộng “quy mô” ra các khoảnh đất trống trong các khu đô thị, công viên, vườn hoa và cả… bờ sông.
Chẳng hạn, trên đường Kim Giang, đoạn từ cầu Dậu đi cầu Tó nếu lưu tâm có thể dễ dàng thấy dải đất trống cạnh bờ sông Tô Lịch được nhiều người dân sử dụng để trồng rau. Thậm chí, mảnh đất nhỏ cạnh cống nước thải cũng được trưng dụng triệt để. Tương tự, dọc đoạn đường Nhuệ Giang và bên cạnh vườn hoa Nguyễn Trãi (Hà Đông) hiện có rất nhiều luống rau được cầy xới công phu cẩn thận nằm ngay sát mép dòng nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối.
Đáng nói ở chỗ, do cách xa nguồn nước sạch nên nhiều người dân ở đây vẫn sử dụng chính nguồn nước sông Nhuệ ô nhiễm để tưới tắm cho những luống rau của mình. Việc làm này vô hình biến những luống rau sạch trở thành nơi ủ bệnh.
Chia sẻ thêm quan điểm về vấn đề liên quan, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai cho rằng, mặc dù việc trồng rau, chăn nuôi trong phố có những tác động tích cực như tạo nguồn thực phẩm sạch cho người dân, khuyến khích cư dân đô thị hoạt động thể chất… nhưng xét trên nhiều góc độ thì việc làm trên cũng tạo môi trường cho ruồi, muỗi sinh nở. Nghiêm trọng hơn, với những hộ làm chuồng chăn nuôi gà, vịt còn tiềm ẩn nguy cơ ủ bệnh, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến khu vực dân cư.
Khách quan nhìn nhận, việc làm của người dân trước bối cảnh bất an về thực phẩm như hiện nay hoàn toàn không đáng trách. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sự việc sâu và rộng hơn thì chuyện trồng rau, nuôi gà trên phố đang chứng tỏ một nghịch lý là chất lượng sống của người dân đang đi xuống.
Hay nói như các nhà nghiên cứu thì đô thị đang dần “nông thôn hóa”, phá vỡ định hướng phát triển của đô thị. Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai cho biết: “Không nên để tiếp diễn tình trạng nông thôn hóa đô thị như hiện nay. Về phía phường, tạm thời đẩy mạnh hình thức nhắc nhở người dân gìn giữ vệ sinh chung và thực hiện nếp sống văn minh đô thị”.