Ở trên rẻo cao xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La), những cây na sầu riêng của HTX Mé Lếch đang cho quả sai trĩu cành. Những trái na chín có trọng lượng dao động từ 1-2,5kg, hạt ít, phần thịt màu trắng có vị ngọt lịm và thơm mùi sầu riêng.
"Lứa na sầu riêng đầu tiên của vụ này vừa kết thúc với sản lượng 50 tấn. Giá na bán tại vườn ở mức 150.000 đồng/kg", ông Nguyễn Hữu Tứ - Giám đốc HTX Mé Lếch nói.
Theo ông, loại na này được HTX phối hợp với một doanh nghiệp chuyên về giống rau quả ở Việt Nam nhập từ Đài Loan về ghép cải tạo với giống na dai địa phương. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng núi cao Mai Sơn, sau 8 tháng ghép, na dai sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ bói những quả đầu tiên, thu ngay 14 tỷ đồng.
HTX Mé Lếch có 150 ha na đang cho thu hoạch (Ảnh: T.A) |
Năm nay, diện tích na sầu riêng của HTX lên tới 50ha. Na sẽ cho thu hoạch từ tháng 8 đến Tết Nguyên đán.
"Loại na sầu riêng này rất đắt khách, na chín đến đâu được các siêu thị và cửa hàng mua hết đến đó. Thậm chí, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu", ông chia sẻ. Song, ông Tứ cho biết, đây chỉ là 1 trong 3 loại na mà HTX đang trồng hiện nay.
Theo ông, HTX Mé Lếch có 26 thành viên, tổng diện tích canh tác na khoảng 200ha. Năm nay, chỉ có 150ha na cho trái gồm: na dai, na hoàng hậu, na sầu riêng. Đây là những giống na cho trái khủng, có giá trị kinh tế cao và cho thu hoạch quanh năm.
Những năm gần đây, các thành viên HTX tập trung chuyên canh theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó có 50ha sản xuất theo hướng VietGAP, 50ha sản xuất theo hướng hữu cơ.
Na sầu riêng của HTX đang bán với giá 150.000 đồng/kg (Ảnh: T.A)
|
Để cho ra những quả na đẹp, to đều, chất lượng tốt, các thành viên của HTX đều nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân hiệu quả. Cùng với đó, HTX Mé Lếch thường xuyên hướng dẫn các hộ dân bao trái cho quả na đúng thời điểm để phòng ngừa sâu bệnh gây hại, giúp tăng năng suất, mẫu mã đẹp, nâng cao giá trị sản phẩm...
Các đồi na đều được lắp đặt camera giám sát, hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng app trên điện thoại thông minh. Nhờ đó, hộ nông dân chủ động được thời gian tưới nước cho cây trồng dù ngồi ở bất cứ nơi đâu, đồng thời giảm được ngày công lao động, ông cho hay.
"Năm nay, sản lượng na ước đạt 14 tấn/ha, tức cho thu khoảng 2.100 tấn. Trừ hết chi phí, 1ha na các hộ nông dân của HTX lãi 800 triệu đồng. Tính ra, năm nay 26 hộ dân có thể chia nhau khoản lãi 120 tỷ đồng", ông Tứ tiết lộ.
Tại HTX, có hộ dân trồng 10ha na, tiền lãi thu được lên tới 8 tỷ đồng/năm. Còn gia đình ông Tứ canh tác 6ha nhưng diện tích cho trái chỉ 3ha nên thu về khoản lãi khoảng 2,5 tỷ đồng.
Ông cho biết, ở HTX Mé Lếch, hộ có diện tích ít có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng, hộ trung bình 2-3 tỷ đồng/năm. Với những hộ trồng diện tích lớn cho thu tới gần chục tỷ đồng mỗi năm và trở thành tỷ phú ở vùng núi cao này.
Mỗi 1ha na, các hộ dân thành viên HTX thu lãi khoảng 800 triệu đồng/năm (Ảnh: T.A)
|
Cuối năm 2022. HTX Mé Lếch đã chuyển giao 600 cây na sầu riêng để trồng thử nghiệm tại xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) theo chương trình hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Lào Cai và Sơn La giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, cán bộ của HTX Mé Lếch chuyển giao kỹ thuật đào hố, ủ phân, trồng, chăm sóc cây na sầu riêng theo hướng hữu cơ cho hộ nông dân ở Quang Kim.
Theo lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Mai Sơn, Mé Lếch là một trong những HTX tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Tại các sự kiện, các hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX luôn thu hút lượng lớn khách hàng, rất nhiều đối tác, bạn hàng đã liên hệ với HTX đặt mua số lượng lớn.
Huyện cũng xác định na là cây ăn quả chủ lực giúp người dân xóa đói nghèo và làm giàu, cần tiếp tục nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Hiện nay, HTX Mé Lếch đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản chất lượng cao để không ngừng nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nông sản trên địa bàn huyện, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.