Năm 2018, dưa lưới được Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh, Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa vào trồng tại Ninh Thuận.
Dưa lưới có đặc tính thích nghi với khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh sáng nên thích hợp với khí hậu nhiều nắng như ở Ninh Thuận, nhất là vùng miền núi như Bác Ái, Thuận Nam…
Anh Nguyễn Quốc Khánh, quản lý Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh, cho biết từ năm 2018, trung tâm đưa dưa lưới vào trồng tại xã Phước Tiến, huyện Bác Ái. Hiện, trung tâm đang triển khai trồng 1,4 ha dưa lưới trong nhà màng. Giống dưa lưới được nhập về từ các nước như Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…
Anh Khánh cho hay dưa lưới của trung tâm trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Vì vậy, dưa sẽ được trồng trên giá thể hữu cơ gồm sơ dừa kết hợp với phân bò hoặc phân trùn quế.
Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới tại xã Phước Tiến, huyện Bác Ái. Ảnh: HH.
Trung tâm cũng sử dụng phương án tưới nhỏ giọt kết hợp với tưới chính xác cung cấp dinh dưỡng chính xác cho nhu cầu của cây dưa lưới. Từ đó, các sản phẩm của trung tâm sẽ không có dư lượng phân bón cũng như thuốc bảo vệ sinh học.
Anh Pi Năng Thốm, kỹ thuật viên của Trung tâm, cho biết để quả dưa lưới đạt đúng trọng lượng tiêu chuẩn, kỹ thuật viên phải theo dõi chế độ dinh dưỡng, nước tưới và kích cỡ lá cây.
Mỗi cây dưa chỉ chọn về để lại một trái. Vì vậy, các anh thường xuyên cắt bỏ những nhánh mới đâm chồi để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Tuy nhiên, kỹ thuật viên cũng không để trái quá lớn vượt kích cỡ. Ngoài ra, để dưa lưới ngọt đậm, kỹ thuật viên sẽ siết nước trong khoảng 15 – 20 ngày cuối vụ.
Anh Khánh cho biết mỗi vụ dưa lưới sẽ kéo dài ba tháng, sản lượng khoảng 4 tấn/1.000 m2. Giá dưa lưới cắt tại vườn khoảng 45.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, người trồng có thể thu lãi 30–50 triệu mỗi vụ.
Ninh Thuận có khí hậu nắng dài và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn nên chất lượng quả dưa lưới rất cao, hấp dẫn thị trường, trước mắt là thị trường lớn trong nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Anh Pi Năng Thốm, kỹ thuật viên của trung tâm đang chăm sóc vườn dưa lưới. Ảnh: HH.
Ninh Thuận đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đưa ngành này trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Để đạt được mục tiêu, tỉnh này phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 1.000 ha. Tỉnh đã huy động nguồn lực triển khai, tuyên truyền về phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.