Đến Sìn Hồ- miền biên viễn Tây Bắc tôi có cảm giác như đến vườn địa đàng. Xe đi thì phải qua 9 lần mây mới tới nơi. Chỗ nào cũng có hoa thơm cỏ lạ. Cây mận cả vòng tay ôm nở hoa từ gốc đến ngọn. Hoa lê trắng điểm, hoa lan khoe sắc. Chiều, nắng như dát vàng thung lũng. Đêm, tối bịt bùng, gió gào sương lạnh. Sáng, mù giăng khắp chốn, thỉnh thoảng có người rẽ mây bước ra, phục sức kỳ lạ.
Trên con đường từ TP Lai Châu đến nhà của Tẩn Mý Dao ở thị trấn Sìn Hồ chừng 60km, qua các xã Hồng Thu, Ma Quai, Phìn Hồ, Pu Sam Cáp, dọc hai bên đường là những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi. Cuộc sống của bà con đồng bào thanh bình, giản dị, mấy em nhỏ vui chơi ven đường, dễ thương, đôi má ửng hồng, tóc hoe đỏ, đôi mắt long lanh, ngây ngô…
Nhà của Tẩn Mý Dao nằm ở thị trấn Sìn Hồ thuộc Cao nguyên Sìn Hồ, có độ cao 1.500m so với mặt nước biển, thời tiết quanh năm mát mẻ, tương tự Sa Pa, Đà Lạt.
Được thiên nhiên, đất trời ưu đãi cho khí hậu chẳng khác gì ở xứ ôn đới, Sìn Hồ có tiềm năng rất lớn để phát triển cây dược liệu. Trong ký ức của nhiều người, thập niên 80 của thế kỷ trước được xem thời kỳ hoàng kim của dược liệu nơi đây. Sìn Hồ từng là một trong những nông trường cung cấp dược liệu lớn nhất cả nước. Dược liệu tại đây được đánh giá có dược tính cao hơn hẳn so với các địa phương khác. Hoạt động sản xuất, thu hoạch, buôn bán dược liệu diễn ra tấp nập suốt ngày đêm.
Nhà của Tẩn Mý Dao nằm ở rìa thị trấn Sìn Hồ, lúc tôi đến, phía sân trước nhà phơi đầy những gốc, cành, lá của thứ cây gì đó, nếu ai không biết sẽ lầm tưởng chúng là củi đun, nhưng Giàng Xuấn Cường (chồng của Tẩn Mý Dao) nói, đó là cây dược liệu, hôm nay được ngày nắng nên đem ra phơi khô trước khi đưa vào xưởng.
Hai vợ chồng Tẩn Mý Dao dẫn chúng tôi ra vườn trồng dược liệu chỉ cách nhà vài bước chân. Trên con đường đất, hai bên, những luống sâm đương quy chạy thẳng tắp đến tận chân núi đang lên xanh tốt, mùi thơm của sâm theo gió thoang thoảng cả cánh đồng.
Trong trí nhớ của Tẩn Mý Dao, hồi nhỏ, cô đã đi theo cha mẹ chui từ cánh rừng này, leo quả núi khác để thu hái các nguồn dược liệu trên cao nguyên Sìn Hồ. Dao bảo: "Chứng kiến những bệnh nhân được sử dụng thuốc từ cây dược liệu, khi họ có lại sự sống và có niềm vui về với gia đình. Và cũng bắt đầu từ đó tôi có tình yêu với dược liệu".
Tẩn Mý Dao nói với tôi rằng, cỡ 20 năm trước ở xứ cao nguyên này cuộc sống của người dân còn nghèo lắm, sinh ra, lớn lên, chết đi như sợi dây vô hình "buộc chặt" vào đá, núi. Được đi học Đại học như cô quả thực là điều mơ ước của nhiều người. Và năm 2005, "để những bài thuốc hay của gia đình được lưu giữ" cô gái người dân tộc Dao chính thức vượt qua cánh cửa của Đại học Tây Bắc.
Và cũng trong ngôi trường này, bằng "mối cơ duyên" nào đó, qua một người bạn, Tẩn Mý Dao quen với Giàng Xuấn Cường, chàng trai người Mông quê ở Mường Khương, Lào Cai đang học Đại học Xây dựng dưới Hà Nội. "Mặc dù xa nhau cách trở nhưng như duyên trời định, chúng tôi yêu và cưới nhau", Dao nở cụ cười nhỏ nhẹ nói với tôi.
Tốt nghiệp đại học Tây Bắc năm 2010, vốn liếng khi ra trường của Dao là những đề tài nghiên cứu khoa học liên quan tới cây thuốc bản địa và những tấm bằng khen cho các đề tài xuất sắc đủ để thấy cô sinh viên trẻ gắn bó với dân tộc mình như thế nào.
Ra trường Tẩn Mý Dao và Giàng Xuấn Cường tổ chức đám cưới, hai người về sống ở thị trấn Sìn Hồ. Công việc ban đầu của họ đều làm trong cơ quan nhà nước. Dao chia sẻ rằng, với cô, cây thuốc bản địa chính là động lực để cô nghĩ đến việc bảo tồn nguồn thuốc và tận dụng nó để giúp cho bà con nghèo ở bản có cuộc sống ổn định. Chính bởi vậy, dù bận rộn với công việc nhưng cô vẫn cố gắng dành thời gian để nghiên cứu, phát triển nghề thuốc gia truyền của bố mẹ để lại.
Con đường dẫn đến thành công ngày hôm nay của Tẩn Mý Dao không hề đơn giản, khó khăn, vất vả bủa vây tưởng chừng không vượt qua nổi. "Cái khó nhất là mình thuyết phục người dân cùng tham gia, vì lĩnh vực này vốn đầu tư rất lớn và lâu dài. Đầu tư gần 100 triệu/ha. Đối với một hộ gia đình nông dân bình thường, thì đây là con số quá lớn. Tôi đã theo đuổi suốt 10 năm trời để nghiên cứu và phát triển sản phẩm, toàn bộ lương đều ném hết vào công trình nghiên cứu để tạo ra sản phẩm như thế này", Tẩn Mý Dao bộc bạch.
Sau hơn 10 năm với nhiều nỗ lực, Tẩn Mý Dao đã cho ra đời sản phẩm thuốc tắm lấy luôn tên của cô là Mý Dao. Bài thuốc là sự kết hợp của những giá trị bản địa cùng với những kiến thức khoa học nên sản phẩm thuốc tắm Mý Dao đã được khách trong và ngoài tỉnh Lai Châu biết đến.
Khi bài thuốc tắm bằng dược liệu gia truyền thành công sau nhiều năm dày công nghiên cứu, Tẩn Mý Dao thành lập HTX Mý Dao, với 7 thành viên đều là những người trẻ có đam mê với các bài thuốc dân gian. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên, Giám đốc của HTX lại là anh Giàng Xuấn Cường.
Tẩn Mý Dao kể: "Hôm đó, tôi cũng bất ngờ vì quyết định của chồng là từ bỏ công việc nhà nước để về trồng cây dược liệu. Nhiều người muốn vào không được mà mình lại xin ra. Nhưng nghe chồng tâm sự thì tôi cũng xuôi lòng, sau đó giao cho anh làm Giám đốc HTX".
Sau thời gian miệt mài xây dựng, hiện HTX đã tập hợp được 10 thành viên với tổng diện tích trồng cây dược liệu 10ha (chủ yếu là sâm đương quy). Bên cạnh đó, HTX phát triển liên kết với 3 xã lân cận, mỗi xã có 30 – 40 hộ trồng dược liệu.
Anh Giàng Xuấn Cường cho biết, việc liên kết giúp HTX đảm bảo nguồn dược liệu cho sản xuất. Để tạo ra sản phẩm chất lượng, HTX phổ biến phương pháp giâm hom (phương pháp nhân giống vô tính cây trồng) để kích rễ cho bà con trồng, duy trì nguồn giống. Khi có sản phẩm HTX sẽ tiến hành thu mua lại hết cho bà con, giúp đảm bảo thu nhập. Bình quân thu nhập từ 7- 15 triệu đồng.
"Sau một thời gian áp dụng, kỹ thuật này đã tạo ra giống cây trồng mới cho bà con, từ đó nâng cao hiệu quả phát triển rừng, đảm bảo đời sống, giữ gìn sức khỏe cộng đồng. Đây là hướng đi phù hợp của HTX Mý Dao, vừa phát triển kinh tế lâm nghiệp, vừa phát triển cây dược liệu", anh Cường chia sẻ.
Nhờ cách làm này, sản phẩm của HTX Mý Dao tiêu thụ đã trở nên thuận lợi. Sản phẩm làm ra đến đâu đều được các hiệu thuốc Nam, doanh nghiệp dược phẩm thu mua hết đến đó. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn dược liệu tươi. Bên cạnh đó, HTX đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng lò sấy dược liệu với công suất 5 tấn/mẻ để cung cấp các sản phẩm dạng sấy khô.
Ngoài ra, HTX cũng phát triển một số sản phẩm chế biến sâu từ dược liệu như thuốc phong tê thấp dạng tinh dầu xoa, cao tinh dầu... được Sở Y tế chứng nhận lưu hành và đạt OCOP 3 sao.
Rời HTX Mý Dao, tôi ngược lên Sà Dề Phìn - xã vùng cao mà theo ông Giàng A Tùng, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, người dân nơi đây còn nhiều nghèo khó, vất vả nhưng... đến nay từng bước đã tìm được hướng đi đúng.
"Hướng đi đúng" theo lời của vị Chủ tịch xã là gì? Và tôi tìm được câu trả lời ngay ở đầu con đường dẫn vào trung tâm xã, đó là HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ. Anh Nguyễn Trần Văn, Giám đốc HTX cho tôi biết, ngoài trồng sâm Lai Châu, HTX cũng đang liên kết với hàng trăm hộ dân ở Sà Dề Phìn và các xã lân cận để trồng, thu mua, chế biến dược liệu.
Đi qua khu nhà xưởng của HTX, men theo quả đồi, rồi phải uốn cong người để vượt qua 3 lớp dây thép gai, tôi đến được nơi anh Văn đang trồng thứ cây tiền tỷ nơi mảnh đất khó Sà Dề Phìn - Sâm Lai Châu.
"Ủa, sâm đây sao?", tôi hỏi anh Văn. Anh trả lời, sâm Lai Châu đó nhà báo, nói xong rồi anh dùng tay nhẹ nhàng, nâng niu đưa một cây sâm dài cỡ chỉ 5 cm lên để tôi tận mắt được chiêm ngưỡng. Anh Văn bảo, sâm Lai Châu là loài dược liệu quý hiếm, được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Để có tài sản là vườn sâm tiền tỷ như ngày hôm nay, anh Văn chia sẻ, ban đầu, HTX phải tìm mua lại từng cây giống của người dân ở các thôn, bản. Sau nhiều năm gây nuôi, hiện HTX đã có hơn 1.000 cây bố mẹ từ 3 - 5 tuổi, 10.000 cây 2 năm tuổi. "Để cây sâm thực sự sống được ở Sìn Hồ thì công sức bỏ ra cực kỳ gian lao, tỷ mẩn, kiên trì trong chăm sóc loài cây quý này", anh tâm sự.
Theo anh Văn, điều kiện tự nhiên, khí hậu ở Sìn Hồ thực sự rất lý tưởng với cây sâm. Để trồng được sâm, HTX phải sử dụng đất mùn trong tự nhiên (không dùng phân bón để tăng dinh dưỡng cho đất vì khi dùng cây rất dễ nhiễm khuẩn). Cây sâm để lấy hạt giống được chọn lọc kỹ lưỡng, đạt từ 4 năm tuổi trở lên (đối với cây gieo từ hạt), 2 năm trở lên (đối với cây trồng từ đầu mầm), không bị sâu bệnh, tổn thương cơ giới hoặc các tổn thương khác...
Sâm không đòi hỏi quá nhiều nước, nếu gặp mưa lớn, ngập úng dễ bị thối củ. Do đó, khi trồng dưới tán rừng sẽ tận dụng được bóng che tự nhiên, độ thoát nước tốt. Bên cạnh đó, khi trồng tự nhiên, cây sâm có điều kiện “ăn gió, ăn sương” nên bộ rễ phát triển khỏe mạnh, hàm lượng saponin cao.
Anh Văn bật mí, hiện tại, HTX cũng đang thử nghiệm một diện tích nhỏ việc trồng sâm sử dụng phân bón hữu cơ. Khi có kết quả sẽ so sánh đối chiếu với sâm trồng tự nhiên, nếu chất lượng, các dược tính không thay đổi thì sẽ nghiên cứu nhân rộng cho các thành viên và các hộ liên kết trồng.
“Sâm Lai Châu mặc dù thời gian cho thu hoạch có thể dài, nhưng tiềm năng, giá trị kinh tế lại rất lớn. Nếu nhân rộng thành công thì chẳng những HTX có điều kiện lớn mạnh mà đời sống của từng hộ dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng sẽ đổi khác”, anh Văn bộc bạch.
Không chỉ trồng sâm, hiện nay, HTX của anh Văn cũng đang liên kết với các hộ dân trồng các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao sâm đương quy, tam thất, atiso, đỗ trọng, thất diệp nhất chi hoa... Đồng thời mỗi năm thu mua trên 300 tấn atiso cho bà con.
Gia đình chị Sùng Thị Cúc, dân tộc Mông, ở bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ từng là hộ nghèo nhất bản. Chỉ cách đây vài năm, cuộc sống của gần 10 nhân khẩu trong gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào mấy mảnh nương lúa một vụ. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau kéo dài nhiều năm, nên gia đình thường xuyên phải nhờ vào nguồn gạo cứu đói mùa giáp hạt của Nhà nước.
Chị Cúc tâm sự, do không có thu nhập nên chồng chị phải đi làm công nhân công ty ở tận Bắc Ninh. Ở nhà, còn chị và đứa con gái đầu là lao động chính, nhưng đất ít quá nên trồng lúa, ngô cũng chỉ đủ ăn. Khi được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, chị đã trồng được hơn 1.000m2 cây đương quy và atiso trên mảnh nương gần nhà. Dược liệu cho thu hoạch, được HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ đến tận đồi thu mua và hai mẹ con cũng đi làm thuê cho công ty dược liệu trên địa bàn, nên giờ đã thoát được nghèo.
“Nếu như trước kia chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa mà không đủ ăn và không có thu nhập. Nay vườn cây dược liệu của gia đình cũng cho thu nhập cộng với khoản tiền tích cóp của chồng và thu nhập của hai mẹ con, vừa qua, gia đình tôi cũng sửa được nhà và mua một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình như xe máy, tủ lạnh…”, chị Sùng Thị Cúc phấn khởi nói.
Theo ông Ma Khánh Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT Sìn Hồ, đến nay, toàn huyện Sìn Hồ có hơn 600ha cây dược liệu các loại. Trong đó, diện tích sâm Lai Châu khoảng 4ha. Những năm qua, UBND huyện đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, lồng ghép nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu theo chuỗi liên kết, phát triển mô hình cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể có điều kiện phát triển chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đặc sản, OCOP để nâng cao giá trị (toàn huyện hiện có 23 sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó dược liệu có 17 sản phẩm).
Ông Toàn cũng cho rằng, tiền năng, giá trị mà cây dược liệu nói chung, sâm Lai Châu nói riêng thì ai cũng nhìn thấy, nhưng để người dân thực sự đổi đời với loại cây trồng này vẫn phải gỡ nhiều điểm nghẽn. Cụ thể, nhiều hộ dân vẫn chưa thay đổi được tập quán chăn thả gia súc tự do, dẫn tới nhiều diện tích dược liệu bị phá hỏng. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa hay có mưa đá cường độ lớn nên cần có giải pháp điều chỉnh cơ cấu mùa vụ cho hợp lý. Nguồn vốn của người dân hạn chế nên khó đầu tư chế biến sâu, chủ yếu bán nguyên liệu thô nên dễ bị thương lái ép giá...