Chuyển đổi sang trồng cam Vân Đồn theo hướng hữu cơ
Những ngày giữa tháng 11, khi những vườn cam ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu chín mọng, cũng là lúc nhiều nhà vườn tại đây đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Anh Trần Danh Đại (thôn 10/10, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) là chủ của trang trại Nông nghiệp xanh 1983. Ảnh: Bùi My. |
Đến thôn 10/10 của xã Vạn Yên vào những ngày này, dọc tuyến đường bê tông thẳng tắp chạy dài là các đoàn xe đưa khách đến trải nghiệm tận vườn để mua cam, vui chơi, chụp ảnh lưu niệm... Trong đó, trang trại Nông nghiệp xanh 1983 của gia đình anh Trần Danh Đại là một trong những nhà vườn mới, nhưng thu hút được một lượng du khách khá lớn mỗi dịp cuối tuần.
Anh Đại cho biết, bố mẹ anh đã trồng cam bản địa từ những năm 90, tuy nhiên do điều kiện khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên diện tích trồng cam chỉ khoảng 0,5ha.
Sau nhiều năm nhận khoán trồng rừng thuê, khai thác gỗ thuê mà mãi không khấm khá, cuối năm 2013, anh Đại tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Hy vọng có thể phát triển kinh tế ngay trên đất đồi của gia đình, anh mạnh dạn vay vốn để mở rộng diện tích trồng cam và đưa cam bản địa lên đồi trồng. Có vốn, anh Đại và gia đình bắt tay cải tạo hơn 5ha vườn đồi để trồng cam, nuôi thả gà đồi, nuôi lợn, trong đó riêng diện tích trồng cam là khoảng 3ha
Nhờ trồng cam Vân Đồn theo hướng hữu cơ, vườn cam của anh Lê Danh Đại luôn cho chất lượng quả thơm ngon. Ảnh: Bùi My. |
Sau 4 năm tích cực chăm bẵm, vườn cam đã bắt đầu cho thu quả và mang lại nguồn thu nhất định. Tuy nhiên anh nhận thấy trồng cam theo phương thức truyền thống dù hiệu quả nhưng lợi nhuận thu về không cao. Đất trồng cam cũng nhanh chóng bạc màu do thường xuyên sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
"Lúc mới đầu trồng cam, tôi sắm biết bao máy phun thuốc, dây phun thuốc dài cả trăm mét, hết loại thuốc bảo vệ thực vật nọ đến loại thuốc bảo vệ thực vật kia. Nếu không cho cây ‘ăn’ thuốc thì ngày mai sâu ‘chén’ hết. Nhưng càng phun thuốc cây cam càng bị bệnh. Các loại sâu bọ có hại sinh sôi nảy nở rất nhanh và mau chóng nhờn thuốc. Dù phun thuốc với liều lượng lớn, sâu bọ vẫn không chết hoàn toàn mà vẫn sinh sôi nảy nở" – anh Đại kể.
Vậy là năm 2017, anh quyết định chuyển sang trồng cam theo hướng hữu cơ, sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ để thay cho phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Theo đó, để cây cam phát triển khỏe mạnh, cho trái ngọt, anh bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ từ phân chuồng hoai mục, phân đậu tương, phân đạm cá… Ngoài ra, để vườn cam có đủ độ ẩm, bên cạnh lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, vườn cam của anh hoàn toàn không xới cỏ, chỉ cắt cỏ khi cỏ quá cao.
Đồng thời để phòng chống các loại côn trùng, sâu bệnh hại, anh Đại nuôi kiến vàng trên cây cam. Với biện pháp này, vừa giúp quả cam tăng độ ngọt do không bị côn trùng tấn công vừa giúp cây phát triển tốt. |
Sau thời gian thích nghi, đến nay cây cam đều sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng và năng suất cam ngày được nâng lên. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch từ 3 - 5 tấn cam, quýt các loại.
"Hiện nay, giá bán cam của gia đình tôi cao nhất nhì ở huyện Vân Đồn. Dù bán sỉ cho thương lái hay bán lẻ cho khách đến trải nghiệm vườn cam đều có giá như nhau" – anh Đại cho hay.
Du lịch trải nghiệm vườn cam - hướng phát triển mới
Cùng với việc chuyển đổi từ trồng cam truyền thống sang trồng cam hữu cơ, anh Đại cũng chuyển đổi hoàn toàn việc chăn nuôi gà thả đồi, chăn nuôi lợn rừng theo hướng hữu cơ.
Từ năm 2020, anh Đại còn dành ra khoảng 800m2 để làm ao cá, thiết kế thêm một số hạng mục cảnh quan, xây dựng thêm các khu nghỉ ngơi, dịch vụ ăn uống… để tạo không gian du lịch trải nghiệm vườn cam.
Đàn gà của gia đình anh Đại được chăn thả tự nhiên trên đồi trồng cam. Ảnh: Bùi My. |
Nhờ đó, du khách có thể khám phá vườn cam, check-in, tự tay hái cam và thưởng thức những trái cam chín mọng ngay tại vườn.
Sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tổ chức thêm các hoạt động vui chơi ngoài trời, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương ngay tại vườn.
Mặc dù mới đi chính thức đón khách đến trải nghiệm hái cam, câu cá, nướng gà tại vườn từ năm 2022, nhưng trang trại của gia đình anh Đại đã đón một lượng khách khá lớn. Vào vụ thu hoạch cam, nhất là dịp cuối tuần, gia đình anh Đại đón hàng trăm lượt khách đến trải nghiệm vườn cam.
"Nhờ được địa phương quan tâm hỗ trợ, quảng bá nên ngày càng nhiều người biết đến trang trại của gia đình. Ngoài ra, bản thân tôi cũng chủ động quảng bá trên Zalo, Facebook cá nhân, trang Fanpage… về mô hình du lịch trải nghiệm của gia đình" – anh Đại chia sẻ.
Thức ăn cho đàn lợn rừng là ngô, rau, chuối và bã bia, tuyệt đối không sử dụng cám công nghiệp. Ảnh: Bùi My |
Du khách trải nghiệm hái cam, check-in tại trang trại của gia đình anh Đại. Ảnh: NVCC |
Ông Hà Văn Ninh - Phó Phòng NNPTNT huyện Vân Đồn cho biết, hiện nay địa phương đã và đang tập trung phát triển nhiều loại sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, trong đó có mô hình du lịch trải nghiệm vườn cam trên địa bàn xã Vạn Yên.
Để thu hút du khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm, thưởng thức cam đặc sản địa phương, từ năm 2023, huyện đã tổ chức Lễ hội cam Vân Đồn. Bên cạnh đó, huyện cũng sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 334 vào thôn 10/10 nhằm đảm bảo giao thông thuận tiện hơn. Ngoài ra, địa phương cũng tuyên truyền các chủ hộ trồng cam về việc tạo cảnh quan để du khách có thể chụp ảnh, nghỉ ngơi, ăn uống... nhưng vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.