Trước năm 2010, với 1ha đất trồng nhãn da bò, mỗi năm, gia đình chị Lê Thị Tới (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng. Thông qua các phương tiện truyền thông, thấy mô hình xen canh cây ăn trái có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên từ cuối năm 2010, chị Tới quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích nhãn, cải tạo đất chuyển sang trồng quýt đường, bưởi da xanh và cam sành.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham quan trang trại trồng xen canh cây ăn trái có múi của ông Trương Văn Doanh (xã Hòa Hiệp). |
Để có kiến thức canh tác, ngoài học hỏi qua sách báo, chị còn tìm đến các mô hình canh tác hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi, rút kinh nghiệm về áp dụng tại vườn cây của mình. Nhờ kiên trì học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước và vận dụng đúng phương pháp, kỹ thuật bón phân, chăm sóc, vườn cây có múi xen canh của gia đình chị Tới cho năng suất ổn định.
Hiện tại, với 250 gốc cam sành, 250 gốc quýt đường, 150 gốc bưởi, mỗi năm, chị Tới thu được khoảng 2,5 tấn bưởi, 20 tấn quýt đường và cam sành. Sau khi trừ chi phí, chị Tới thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. “Từ khi chuyển sang trồng xen canh các loại cây ăn trái có múi, thu nhập của gia đình tôi đã tăng 2-3 lần so với trồng nhãn trước đây. Nhờ đó, cuộc sống gia đình đã được cải thiện nhiều”, chị Tới chia sẻ.
Với kinh nghiệm trồng cây ăn trái có múi lâu năm, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng tại vùng đất Xuyên Mộc phù hợp với các loại cây này, từ năm 2010, ông Trương Văn Doanh (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đầu tư trồng xen canh bưởi da xanh, cam sành, quýt đường trên diện tích gần 50ha.
Ông Doanh cho biết, hiện khoảng 30ha cây trồng đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, vườn cây của ông cho sản lượng từ 250-300 tấn. Với giá bán các loại trái cây dao động 25.000-35000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 1,5 tỷ đồng/năm.
“Quýt, cam sành rất phù hợp với loại đất cát pha ở vùng Xuyên Mộc nên canh tác cho hiệu quả rất cao. Trong quá trình chăm sóc, người trồng nên chú ý đến lượng nước cung cấp cho cây và bón phân đầy đủ, hợp lý thì cây sẽ cho năng suất ổn định, hạn chế được sâu bệnh phá hoại”, ông Doanh cho biết.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện có khoảng 1.300ha diện tích trồng cây ăn trái có múi (lớn nhất tỉnh). Trước đây, dù cây ăn trái có múi phù hợp với vùng đất Xuyên Mộc nhưng người dân chỉ độc canh một loại cây nên không mang lại hiệu quả như mong đợi. Những năm gần đây, mô hình trồng xen canh bưởi da xanh, cam sành, quýt đường đang được bà con lựa chọn cho thu nhập cao hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, huyện Xuyên Mộc có đất đai phù hợp với các loại cây ăn trái có múi dài ngày, nên việc trồng chung, xen canh các loại cây này trên cùng một diện tích sẽ cho hiệu quả cao hơn vì tiết kiệm được chi phí bón phân, công chăm sóc cũng như sử dụng hết tiềm năng thổ nhưỡng, địa hình.
Bên cạnh đó, trong tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc trồng xen canh có thể giúp bà ổn định thu nhập, bởi khi loại sản phẩm này mất giá thì có loại khác thay thế. Ngoài ra, nông dân còn có thu nhập trải đều trong năm, không sợ thất thu vì trồng một loại cây.
“Tuy nhiên, để mô hình đạt hiệu quả, người nông dân cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ phương pháp canh tác, liều lượng phân bón; đồng thời phải lựa chọn giống phù hợp, chất lượng, tránh tình trạng chạy theo phong trào, canh tác hời hợt, dẫn đến sản xuất không đạt hiệu quả”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa khuyến cáo.