Ngọc Diệp từng là gương mặt quen thuộc của các bản tin thời sự VTV. |
- Là gương mặt quen thuộc của Chào buổi sáng và nhiều bản tin Thời sự trên VTV1, thời gian qua không còn thấy chị xuất hiện trên truyền hình, có lý do nào cho sự ‘biến mất’ này không?
Từ khi ra trường, tính đến nay tôi đã gắn bó với truyền hình được hơn 10 năm. Học ngoại ngữ nên lúc đầu tôi không nghĩ mình có thể làm MC nhưng cuối cùng đã gắn bó với truyền hình được tới chừng ấy năm.
Chào buổi sáng là chương trình chính luận nhưng không an toàn như Thời sự 19h vì có nhiều lớp lãnh đạo duyệt. Chương trình này cần những bạn có sức khoẻ, đam mê, nhạy cảm nghề nghiệp lớn vì chúng tôi thường làm kịch bản trong đêm. Không ai có thể bảo vệ mình khi mình nói sai trên sóng vì đó là chương trình thời sự của đài quốc gia và được phát trực tiếp.
Nhưng cũng rất may mắn là sau khi sang VTV, tôi cũng được lãnh đạo đài tin tưởng giao cho dẫn Chào buổi sáng, Thời sự trưa, dẫn các chương trình trực tiếp với anh Hữu Bằng, Quang Minh – những người tôi rất hâm mộ khi chưa sang VTV.
Năm 2016 tôi nghỉ sinh em bé thứ 2. Tôi giữ lời hứa với lãnh đạo Đài rằng sau 2 năm làm việc mới sinh con. Sau khi nghỉ sinh, tôi cũng rất hào hứng trở lại với truyền hình.
Tuy nhiên, do từ năm 2015, tôi khởi nghiệp kinh doanh mô hình nhà hàng cơm gà của Singapore và không ngờ lại được rất nhiều khách hàng yêu mến nên tôi đã mở nhà hàng thứ 2.
Vừa quản lý nhà hàng, vừa đi làm mà công việc ở Chào buổi sáng thì làm kịch bản đến 1h sáng, 4h sáng lại phải đi làm, chưa kể còn hai con nhỏ nữa. Do vậy đã đến lúc tôi phải suy nghĩ về việc mình nên chọn con đường nào. Không thể vừa làm nhà nước, lại vừa đầu tư trí tuệ, công sức cho những công việc cá nhân.
Dù rất cố gắng ở cơ quan và cũng đã được ghi nhận nhưng nếu cứ làm hai việc một lúc như vậy cũng không ổn. Cho đến tháng 1/2017 tôi mới quyết định rời VTV. Thực sự lúc đó tôi cũng rất tiếc vì mình đã có thời gian dài gắn bó với truyền hình, từ VietnamNet TV đến VTC 7 năm và VTV từ năm 2013.
Từ một MC truyền hình, hiện Ngọc Diệp là giám đốc điều hành của hai nhà hàng lớn tại Hà Nội. |
- Tôi đã bàn với gia đình về quyết định này nhưng lúc đó, từ bố mẹ đến chồng, tới bạn bè đều không đồng ý. Bởi tôi không phải là người không làm được việc ở Đài, chưa kể đó là công việc mà nhiều người mơ ước. Mọi người rất buồn khi tôi quyết định chia tay với truyền hình để theo đuổi công việc kinh doanh.
Ngay khi nghỉ ở VTV vào tháng 1, tôi lại bắt tay vào dự án mở nhà hàng Thái Lan ở Việt Nam với tư cách Giám đốc điều hành. Việc kinh doanh đến với tôi như cơ duyên và sự may mắn chứ ban đầu tôi cũng không chủ định sẽ theo đuổi nó.
- Đến thời điểm này bản thân chị có tin là cuộc sống của mình thay đổi quá nhanh như vậy? Từ một sinh viên ngoại ngữ chuyển sang làm MC truyền hình và giờ là CEO của hai chuỗi nhà hàng lớn ở Việt Nam?
Nhiều người ở ngoài nhìn vào ban đầu cũng chỉ nghĩ tôi là một cô gái học ngoại ngữ ra, không biết kinh doanh gì cả, đơn giản chỉ có tình yêu với ẩm thực. Tôi là người biết nấu ăn và cũng thích ăn ngon. Ở đâu có nhà hàng nào mới, nhà hàng nào ngon là tôi tìm đến và thường là địa chỉ tin cậy để bạn bè nhờ giới thiệu những chỗ ăn uống ngon.
Việc kinh doanh nhà hàng đến với tôi bắt nguồn từ mong muốn mang đến cho con mình một môi trường giáo dục tốt. Khi làm đài truyền hình, mặc dù có thu nhập khá cao với chừng 20 triệu và nguồn thu thêm từ việc đi dẫn các chương trình bên ngoài. Nhưng đến ngoài 30 tuổi, tôi bắt đầu cảm thấy mình không còn trẻ. Mà ở đài truyền hình công việc hưởng theo nhuận bút, không có chuyện sống lâu lên lão làng. Còn chồng thì làm ở đài truyền hình VTC.
Khi con gái lớn bước vào lớp 1, chúng tôi đau đáu về những lựa chọn về môi trường giáo dục cho con. Với tôi giáo dục luôn là điều tôi ưu tiên số 1. Nhưng với tình hình tài chính lúc đó của hai vợ chồng, trường tôi muốn cho con học lại không đủ khả năng tài chính. Có những đêm tôi khóc vì cảm thấy bất lực vì không thể làm điều mình muốn cho con.
- Đó là lý do chị quyết định dấn thân vào kinh doanh và thay đổi công việc mình đã gắn bó suốt nhiều năm?
Lúc đó, vì động lực muốn thật vững vàng về tài chính và cũng gặp một đối tác có cùng mục đích với mình nên hai chị em cứ lao vào làm. Tôi lầm lũi vừa đi làm ở Đài vừa lo công việc ở nhà hàng mà không đồng nghiệp nào biết. Tôi làm việc không nghỉ ngơi. Lúc đầu tôi còn phải lao vào bếp, tham gia bưng bê, đón khách, phục vụ cùng nhân viên, không nề hà bất cứ việc gì.
Nhiều người có hỏi bí quyết thành công của tôi là gì. Tôi không có bí quyết nào ngoài tâm niệm hãy cứ làm tốt nhất có thể mọi việc cho đến khi mình không còn cố được nữa thì thôi. Phải đổ mồ hôi nước mắt thì mới cảm nhận được thành công của mình.
Đúng là nhiều lúc tôi thấy nhớ nghề kinh khủng. Làm truyền hình là tôi thoả mãn được giấc mơ của bản thân nhưng lại không mang lại được những thứ tốt đẹp nhất cho những người thân của mình. Ví dụ chồng mình, con mình đều phải thức đêm thức hôm đợi mình về. Và khả năng tài chính của mình lại không thể lo cho bố mẹ, con cái một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Việc kinh doanh với tôi vừa là đam mê, lại vừa mang đến cuộc sống tốt hơn cho gia đình, cho nhiều người khác nên tôi đã quyết định chọn nó. Tổng cộng nhân viên của hai nhà hàng tôi quản lý hiên có hơn 140 người. Đó là 140 gia đình tôi phải lo cho cuộc sống của họ chứ không chỉ bản thân mình nữa. Trách nhiệm đó còn lớn hơn việc lên sóng truyền hình đọc một bản tin.
- Chị so sánh áp lực của hai công việc thế nào? Lên bản tin thời sự trực tiếp thì một lỗi nhỏ có thể bị nhiều người soi và đem ra mổ xẻ còn giờ lại là áp lực doanh thu và cuộc sống của bao nhiêu nhân viên?
Áp lực không có cái nào ít hơn cái nào. Nhưng chèo lái một doanh nghiệp kinh doanh thành công không phải là chuyện đơn giản, từ chiến lược kinh doanh, nhân sự… mọi quyết định của mình đều liên quan đến sự tồn vong của một doanh nghiệp. Chính vì vậy tôi phải học mỗi ngày để hoàn thiện mình. Chồng tôi nói đùa: “Giờ em không còn là em của ngày xưa nữa”. Vì trước đây tôi không biết tài chính kế toán là gì nhưng giờ buộc phải biết mọi thứ.
Để chuẩn bị mở nhà hàng mới, suốt 1 tuần nay tôi không nói chuyện được với con gái lớn. Sáng bước chân ra khỏi nhà khi con đã đi học và chỉ trở về nhà lúc 12h đêm, khi con đã đi ngủ. Tôi đã hứa sẽ bù đắp cho con.
- Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!