Ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau một năm bỏ trốn và bị truy nã gắt gao. Những diễn biến tiếp theo liên quan đến vụ án của Trịnh Xuân Thanh sẽ còn rất nhiều điểm được cơ quan điều tra làm rõ. Liên quan đến vụ việc này, các đại biểu, chuyên gia đã nêu lên 3 câu hỏi lớn cần được giải đáp.
Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: VNN. |
Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn như thế nào?
Việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú là điều kiện triệt để giải quyết vụ án và thắc mắc mà dư luận râm ran bấy lâu nay.
Trả lời báo Giáo dục, Luật sư Phan Xuân Xiểm (nguyên hàm Vụ trưởng, công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương) nhận định: “Khi Trịnh Xuân Thanh đầu thú, sau này cơ quan điều tra làm rõ ai để Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn hoặc như thế nào, cá nhân, tổ chức nào liên quan”. Tại sao Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn được, công tác quản lý lâu nay công luận vẫn đặt vấn đề về câu hỏi đó, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Hiện nay, Trịnh Xuân Thanh đã trở về nên có điều kiện để làm rõ hơn. Còn việc truy tố, xét xử Trịnh Xuân Thanh sẽ tiến hành theo quy định pháp luật ”
Làm rõ vi phạm của Trịnh Xuân Thanh
Tóm tắt lại quá trình phạm tội, Trịnh Xuân Thanh đã bị cơ quan pháp luật khởi tố về tội: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Con số thua lỗ thất thoát 3.260 tỷ đồng ở PVC chủ yếu rơi vào thời điểm 2011–2013 – khi mà Trịnh Xuân Thanh đang là “thuyền trưởng” lái con tàu PVC.
Tháng 3/2017, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Trịnh Xuân Thanh bị Tòa án khởi tố thêm tội tham ô.
TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, hành vi phạm tội đối với hai tội danh kể trên của Trịnh Xuân Thanh sẽ được làm rõ trên cơ sở lời khai của y.
Chia sẻ trên báo Lao Động, TS Dương Thanh Biểu nhận định: "Việc Trịnh Xuân Thanh đầu thú sẽ giúp cơ quan chức năng đánh giá lại những lỗ hổng trong quản lý cán bộ, quy hoạch và xem xét cán bộ... Đây cũng là lúc mà chúng ta phải rà soát lại những vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh mà y đã từng thoát tội hoặc chưa bị xử lý".
Mời độc giả xem video "Vụ Trịnh Xuân Thanh: Kỷ luật Bí thư Hậu Giang (nguồn: VTC)
Vì sao vi phạm nhiều mà Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm “thần tốc”?
Bên cạnh những nút thắt về vụ án tham ô hay việc Trịnh Xuân Thanh vì sao có thể bỏ trốn, các chuyên gia chỉ ra rằng còn một vấn đề dư luận đang rất quan tâm cần làm rõ, đó là con đường quan lộ thần tốc của Trịnh Xuân Thanh. Tại sao Trịnh Xuân Thanh là một người làm ăn thua lỗ khiến công ty “thảm hại” mà lại được cân nhắc lên những vị trí cao rất nhanh.
Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Sau đó ít lâu, Thanh tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Tháng 5/2015, vị này được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Đến ngày 22/5/2016, Trịnh Xuân Thanh trúng cử Đại biểu Quốc hội tại một đơn vị bầu cử ở tỉnh Hậu Giang.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú là điều kiện để xử lý triệt để vụ án.
Trả lời báo Tiền Phong, thiếu tướng Cương nhấn mạnh: “Việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, trước hết là kết quả của quyết tâm chống tham nhũng, chống tha hóa đến cùng của Đảng. Không có quyết tâm này, chưa chắc Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú”. Đồng thời, ông cũng chỉ ra rằng, vụ việc này cần phải có cái nhìn thật khách quan. Trịnh Xuân Thanh lên chức nhanh được như vậy, chắc hẳn phải có người bao che.
"Nhưng vấn đề là sau trách nhiệm về tổ chức, còn có mối quan hệ gì không. Điều đó chúng ta chưa vội kết luận.
Việc này phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra và tố tụng. Nhưng rõ ràng, Trịnh Xuân Thanh không “đơn thân độc mã”, phải làm rõ xem có lực lượng nào che chắn hay không?”, tướng Cương nói.