15 năm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi xa khiến mọi người nhớ lại câu chuyện bà Dao Ánh, người yêu đầu tiên của Trịnh Công Sơn, chủ nhân của 300 trang thư tình quyết định công bố những kỷ niệm bà giấu kín. Tình yêu cụ thể ấy đã nhờ những áng văn chương, như những nốt nhạc chắp cánh thành biểu tượng của tình yêu..
Bức thư tình tuyệt hay của Trịnh Công Sơn gửi cô nữ sinh - Khi Dao Ánh đang là nữ sinh cấp 3 trường Đồng Khánh (Huế) đã là nàng thơ của Trịnh Công Sơn. Mối tình kéo dài từ năm 1964 đến 1967, chất chứa biết bao hoài niệm. |
Nhận sự ủy thác của gia đình, cùng bà Ngô Vũ Dao Ánh, với tư cách là bạn của cố nhạc sỹ, nhà báo Nguyễn Duy là người biên tập 300 trang thư tình của Trịnh Công Sơn công bố thành một ấn phẩm mang tính nghệ thuật phát hành vào ngày người nhạc sỹ tài hoa về cõi vĩnh hằng.
300 trang thư tình trải qua bao loạn lạc, ly tán như một chứng minh cho tình yêu đẹp. Theo tài liệu ghi lại, ngày ấy, Trịnh Công Sơn 25 tuổi vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn. Ông mang theo một mối tình với người con gái xứ Huế đẹp mà "nắng hờn ghen môi, mây hờn ghen tóc" đến ẩn dật ở nơi chênh vênh những tảng mây, thị trấn B'Lao. Trong ba năm từ 1964 đến năm 1967, Trịnh Công Sơn đã viết 300 trang thư gửi mối tình đầu mang tên Dao Ánh.
Bức thư đầu tiên của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh ngày 17/9/1964 là những tiếng lòng hồi hộp, reo vui: "Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh…". Nét bút trên trang thư nhảy múa như những nốt nhạc: "Anh cảm ơn ánh nghìn lần đã yêu thích thiên - đàng - sương - mù của anh. Anh sẽ cố gắng yêu thích nó đến bao giờ không thể. Ở đây có sự tự do của con người mỗi ngày chỉ thấy mình và trời đất…".
Và khi ấy, giữa trời đất ấy, có một người đàn ông mơ mộng, trầm tư hàng ngày có một niềm vui lớn lao nhất là ra bưu cục chờ nhận thư của người con gái mình yêu thương. Trịnh Công Sơn cứ viết thư, viết bằng tất cả nỗi "nhớ Ánh rất tha thiết". Trịnh viết khi trăng lên, lúc sáng sớm thức dậy, khi đông lạnh hoang vu, lúc chiều tà hoàng hôn phủ bóng… viết trong tâm thức "anh" gọi tên Dao Ánh. Nỗi nhớ ấy, tiếng gọi ấy thành ra những nét chữ, những hình ảnh của ngôn từ reo lên trong tiếng nhạc lòng.
Có ai biết rằng, người con gái Trịnh Công Sơn yêu khi ấy mới 15 tuổi, cái tuổi "ô mai" vui buồn theo mây trời giữa xứ Huế mộng mơ. Và mối tình ấy, theo Nguyễn Duy, là mối tình "vị thành niên, mối tình qua thư và quá đỗi trong sáng. Ở trong đó, ta gặp những cuộc hẹn hò bất thành của anh Sơn, những giận hờn, trách cứ như biết bao người đàn ông khác trong tình yêu. Những trách cứ sao mà dịu dàng, ngọt ngào và quá đỗi yêu thương".
Tình yêu trong mộng đẹp như những trang thơ ấy đã khiến những nốt nhạc rung lên, miền cảm xúc riêng tư ấy được gọi thành tên, thành những ca từ mà thấp thoáng ở đó là bóng dáng của Dao ánh như Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố… Có những bản nhạc, Trịnh Công Sơn viết riêng với lời tựa "bản của ánh đó" như Mưa hồng, Tuổi đá buồn mà đến giờ Dao Ánh vẫn còn giữ.
Ba năm vun đắp cho mối tình thư đẹp như pha lê để rồi nhận một lá thư cuối nói lời: "Chúng mình chấm dứt cho tình yêu đó ở đây". Ba năm ấy biết bao nhiêu tình đong đầy trong những trang thư. Bức thư đầu Trịnh Công Sơn nói lời cảm ơn, bức thư cuối cũng là lời cảm ơn nhưng chất chứa bao nuối tiếc, nhớ thương.
"Hãy xem mọi lỗi lầm đều ở anh cả và sau quyết định này là một lối ngõ thênh thang trên đó ánh hãy đi vào những cuộc phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả. Tất cả rõ như một khoảng trắng. Cũng đành vậy thôi. Anh đã nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thuỷ triều. Quyết định như không thuộc về anh. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…".
Mời quý độc giả xem video: