Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bên người vợ trẻ xinh đẹp nhưng không "môn đăng, hộ đối". |
Toàn bộ cư dân Triều Tiên được chia thành các nhóm phả hệ. Tiêu chí chính để xác định một người thuộc về nhóm nào là hoạt động mà tổ tiên trực hệ của người ấy đã làm trong thời kỳ thuộc địa cũng như trong những năm Chiến tranh Triều Tiên.
Còn con cháu và cựu nhân viên của chính quyền thực dân Nhật Bản, thân nhân của những người đã chạy trốn sang miền Nam thời Chiến tranh Triều Tiên và các đại diện của các nhóm không đáng tin cậy khác… là thành phần bị phân biệt đối xử. Số này không thể vào các trường đại học danh tiếng, không hiếm khi họ còn bị cấm định cư ở Bình Nhưỡng và các đô thị lớn. Do đó trên thực tế, họ buộc phải làm các công việc lao động chân tay nặng nhọc.
Tuy nhiên, đà gia tăng quan hệ thị trường trong những năm 1990 bắt đầu làm xói mòn nền tảng của hệ thống này. Người Triều Tiên đã nhận thấy rằng các thành viên của những nhóm bị phân biệt đối xử đã giành được lợi thế trong hoàn cảnh mới. Chẳng hạn, yếu tố có người thân ở hải ngoại từ chỗ là cơ sở để phân biệt đối xử đột nhiên trở thành một động lực quan trọng, gần như là đảm bảo cho thành công trong cuộc sống. Đặc biệt may mắn nếu ai đó có bà con sống ở Trung Quốc. Những người thân như vậy, một mặt, có thể dành hỗ trợ tài chính trực tiếp, và mặt khác – có thể trở thành đối tác trong dự án kinh doanh cụ thể nào đó. Tuyệt đại đa số các doanh nhân cỡ nhỏ và vừa ở miền Bắc Triều Tiên đã đạt được thành công ban đầu chính nhờ thực tế rằng họ đã tìm thấy thân nhân của mình ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, những đổi thay thời cuộc không chỉ tác động đến số người Bắc Triều Tiên có người thân ở ngoài biên giới đất nước. Nói chung, cả những người từ tầng lớp thấp giờ đây cũng có cơ hội bằng sức mình đạt tới thành tích vật chất. Trong quá khứ, người xuất thân từ loại gia đình không được tin cậy, thí dụ là con cháu địa chủ, đã bị tịch thu hết đất đai trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1946 – đã chẳng có cơ may hiện thực nào để tiến bộ trong xã hội và buộc phải dành cả đời làm thợ mỏ hoặc nông dân lam lũ. Nhưng bây giờ một người như vậy cũng có một số cơ hội để trở thành thương nhân thành đạt.
Mặt khác, thành phần xuất thân tốt không còn là đảm bảo tuyệt đối cho thành công trong cuộc sống. Tất nhiên, con em các gia đình cách mạng truyền thống vẫn có thể dựa vào lý lịch vẻ vang để vào học trường đại học danh giá. Tuy vậy trên thực tế, tấm bằng tốt nghiệp trường đại học này bây giờ không nhiều. Hệ thống cấp bậc cũ đã mất đi ý nghĩa quan trọng tưởng chừng bất di bất dịch.