Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết vụ thử sáng 14/5 nhằm xác thực các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của tên lửa đạn đạo mới được phát triển, có khả năng mang theo một đầu đạn hạt nhân cỡ lớn. Tên lửa đã đạt độ cao 2.111km và bay được 787km.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết trong vụ thử sáng 14/5, tên lửa đã đạt độ cao 2.111km và bay được 787km. Ảnh: Rodong Shinmun |
Theo các quan chức Mỹ, trong đợt thử lần này, tên lửa Triều Tiên đạt đến độ cao đáng kể nhất và gần Nga nhất so với những lần thử trước đây. Cũng theo các quan chức Mỹ, tên lửa được phóng gần thành phố Kusong ở phía tây Triều Tiên và rơi ở khu vực biển Nhật Bản, cách thành phố Vladivostok của Nga khoảng 97km.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối vụ phóng thử tên lửa nói trên và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh làm cho căng thẳng khu vực trở nên tồi tệ hơn.
Vài giờ sau vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa, chính phủ Mỹ nhắc lại sự ủng hộ dành cho các đồng minh trong khu vực, cụ thể là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn viết: "Mỹ cam kết sắt đá về việc sát cánh với các đồng minh của đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng của Bắc Triều Tiên. Với (vụ thử) tên lửa tấn công gần lãnh thổ Nga - trên thực tế gần Nga hơn Nhật Bản - Tổng thống (Donald Trump) không thể tưởng tượng được rằng Nga rất hài lòng”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi vụ thử tên lửa nói trên là "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản", trong khi Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố chỉ có thể nối lại đàm phán (liên Triều), nếu Bình Nhưỡng thay đổi thái độ.
Vụ thử ngày 14/5 là vụ phóng tên lửa đầu tiên Triều Tiên tiến hành kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức tuần trước. Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố vụ thử tên lửa vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và coi đó là một thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và thế giới. Ông tuyên bố Hàn Quốc sẽ đáp trả lại các hành động khiêu khích.
Vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo diễn ra vài giờ trước khi Trung Quốc khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế về “Một vành đai, một con đường”, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra tầm nhìn toàn cầu hoá trước các nhà lãnh đạo đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề diễn đàn, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Nga cam kết đưa ra một giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Sun Xingjie, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), nói nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã lợi dụng tình trạng căng thẳng trên bán đảo để thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí.
Chuyên gia Sun Xingjie nhận xét: “Đây thực sự là thời điểm (thử tên lửa) hoàn hảo. Ưu tiên hàng đầu của (Chủ tịch) Tập Cận Bình hiện thời là tổ chức hội nghị thượng đỉnh (Một vành đai, một con đường), trong khi (Tổng thống Mỹ) Donald Trump hoàn toàn bận tâm về vụ sa thải giám đốc FBI ... không ai để mắt tới ông Kim. Nếu các nước khác không hợp tác, Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật này, giả vờ đàm phán trong khi tiến hành thêm nhiều cuộc thử nghiệm (tên lửa-hạt nhân)”.
Tuy nhiên, ông Cai Jian, Phó giám đốc nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) nhận định rằng hành động khiêu khích mới nhất của Bình Nhưỡng dường như không làm dấy lên một cuộc đối đầu quân sự. Ông nói thêm: "Về cơ bản, Bình Nhưỡng muốn đạt được nhiều càng tốt trước khi ngồi xuống bàn đàm phán".
Theo chuyên gia Cai Jian, mặc dù Nhà Trắng kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lạiTriều Tiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ không tăng cường các biện pháp hiện hành, nếu Bình Nhưỡng không tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa.
Ông Cai Jian nói: "Các cuộc thử nghiệm về tên lửa về cơ bản khác với thử nghiệm hạt nhân và Trung Quốc sẽ chỉ tuân thủ nghị quyết của Liên Hợp Quốc”.