Nhiều tư liệu lịch sử cho rằng, triều Nguyễn là triều đại phong kiến duy nhất của Việt Nam đặt ra lệ “tứ bất” (không lập hoàng hậu, thái tử, tể tướng, không lấy trạng nguyên. Đây là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, kéo dài 143 năm, trải qua 13 đời vua. Lệ “Tứ bất” được áp dụng bắt đầu từ vua Minh Mạng (1820 – 1840) cho đến cuối triều Nguyễn.
Tuy nhiên, đến nay những điều về luật lệ “tứ bất” vẫn là vấn đề chưa được sáng tỏ. Theo nhiều nguồn nghiên cứu cho rằng để ngăn ngừa những nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến quyền vị, đế vương của triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã đặt ra luật lệ này vì không muốn phân chia quyền lực cũng như không muốn quyền lực về tay 1 người ngoài nào khác. Tuy vậy, cũng có nhiều tài liệu đưa ra những bằng chứng về việc luật “tứ bất” này là bất khả thi.
Trong các công trình khảo cứu, điển chế, sử học do Quốc sử quán triều Nguyễn cũng như các tài liệu được viết dưới vương triều này, hoàn toàn không có dòng nào nhắc đến cái gọi là lệ “Tứ bất”.
Không lấy trạng nguyên
13 đời của triều Nguyễn đã tổ chức 39 khoa thi cử nhưng không có bất cứ người trạng nguyên nào đỗ đạt. Tuy nhiên, không phải do triều đình không lấy, mà do chưa có ai đủ điều kiện của vua và các ban giám khảo để nhận được danh vị này.
Không lập hoàng hậu
Nhiều ý kiến cho rằng các đời vua triều Nguyễn không lập hoàng hậu vì không muốn gây ra nhiều phiền toái, rắc rối cho triều đình. Việc lập hoàng hậu sẽ khiến các phi tần tranh giành quyền lực, gây bất ổn trong nội cung. Tuy vậy, luật “bất khả hoàng hậu” này có vẻ cũng không chính xác bởi triều Nguyễn vẫn có 2 vị hoàng hậu là vợ của vua Gia Long là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu và vợ vua Bảo Đại – Nam Phương hoàng hậu.
Theo sách "Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn", Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan (có sách ghi Tống Phúc Thị Lan) là bà hoàng duy nhất sau khi chết được an táng bên cạnh mộ vua Gia Long.
Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan là bà hoàng duy nhất của triều Nguyễn từng xuất ngoại sang châu Âu. Khi trẻ, bà học tập tại Pháp. Sau khi nhà Nguyễn sụp đổ, bà tiếp tục sống những năm tháng cuối đời trên đất Pháp.
Không phong tể tướng
Trong lịch sử Trung Quốc, chức Tể tướng có quyền hạn như Thủ tướng ngày nay, chẳng hạn như Tể tướng Vương An Thạch đời Tống. Về mặt chính danh, trong suốt chiều dài lịch sử, nước ta chưa hề có chức danh Tể tướng, mà mỗi triều đại đặt ra một chức có quyền hạn tương đương Tể tướng, ví dụ đời Lý có chức Phụ quốc Thái úy, đời Trần có Tả Hữu Tướng quốc, đời Lê có Bình chương Tướng quốc.
Như vậy việc triều Nguyễn không đặt ra danh hiệu Tể tướng, như các triều vua trước đã không đặt, là một điều bình thường, không có cơ sở nào để khoác cho nó cụm từ "bất khả" cả.
Không lập thái tử
Nhiều người cho rằng vua không lập thái tử là bởi không muốn các hoàng tử tranh giành quyền lợi, và triều nhà Nguyễn “bất khả thái tử”. Thế nhưng trên thực tế, năm 1816, vua Gia Long sai người viết chiếu lậu hoàng tử Hiệu là Hoàng Thái Tử (Đại Nam thực lục - tập Một - NXB Giáo dục - Hà Nội 2002, trang 920), rồi ngay sau đó "đúc ấn sách vàng cho Hoàng thái tử" (trang 921), "chế mũ áo và đồ lễ bộ cho Hoàng thái tử" (trang 921).
Năm 1922, trước khi ngự du nước Pháp, vua Khải Định tấn phong con trai là Vĩnh Thụy làm Hoàng thái tử. Năm 1939, vua Bảo Đại phong con trai mới 3 tuổi là Bảo Long là Hoàng thái tử.