Công an khám xét nơi ở của nhóm đối tượng cho vay nặng lãi. |
"Để cầm được tiền, nhóm đối tượng này đã dùng thủ đoạn yêu cầu tôi ký khống hợp đồng, chuyển nhượng mảnh đất do tôi làm chủ và 2 hợp đồng thuê xe, bán xe nhằm mục đích khống chế, ràng buộc ép tôi phải trả nợ theo đúng hẹn. Theo đó, trong 2 năm tôi đã trả được hơn 1 tỷ đồng tiền lãi và đến cuối năm 2019 do làm ăn không thuận lợi, tôi không đủ khả năng để tiếp tục trả nợ thì bị nhóm đối tượng trên ép buộc, gán phải sang tên, chuyển nhượng mảnh đất của tôi cho chủ nợ…” - anh N. nói.
Đây chỉ là một trong nhiều nạn nhân bị nhóm đối tượng trên đưa “vào tròng” để thực hiện hành vi cho vay với lãi suất “cắt cổ” trên địa bàn thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) thời gian qua.
Xác định đây là vụ việc mang tính chất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, không ghi số tiền lãi trên hợp đồng, cho vay dưới hình thức cầm cố tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan công an cũng như gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, xác minh, làm rõ.
Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án đấu tranh đồng thời tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, xác minh.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, trong 2 ngày 16-17/4, đơn vị đã phối hợp Phòng Cảnh sát cơ động, lực lượng công an cơ sở triển khai lực lượng làm nhiều mũi tiến hành đồng loạt bắt giữ nhóm đối tượng trên. Cụ thể là Đỗ Đức Ninh, (SN 1973), Đỗ Quốc Chính, (SN 1986) và Nguyễn Văn Quyết (SN 1991) cùng trú tại thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Qua khám xét nơi ở của các đối tượng, công an phát hiện, thu giữ nhiều hợp đồng và nhiều giấy tờ liên quan đến việc cho vay với tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng. Quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã cho vay với lãi suất từ 108% đến 170%/năm và số tiền thu lợi bất chính lên đến gần 1 tỷ đồng.
Trung tá Nguyễn Duy Ninh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nam, cho biết thêm: “Các trường hợp cho vay “tín dụng đen” hầu hết là các cá nhân, doanh nghiệp. Thủ đoạn cho vay hết sức tinh vi như phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng đến sử dụng mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức thành lập công ty, dịch vụ cầm đồ, đăng ký kinh doanh hỗ trợ tài chính, cầm cố tài sản thế chấp, trao đổi, mua bán xe ô tô, mô tô...”.
Hai đối tượng cho vay nặng lãi tại cơ quan công an. |