Năm học sinh Hà Tĩnh tự chế, tàng trữ 52 quả pháo tại nhà; 4 học sinh Gia Lai nhập viện cấp cứu do tự chế tạo pháo bằng nguyên liệu đặt mua trên mạng; 6 học sinh Lai Châu chế tạo pháo chỉ với 60.000 đồng thông qua video TikTok, bé trai ở TP.HCM dập nát ngón tay vì chơi pháo diêm...
Những ngày cận Tết Nguyên đán, hàng loạt vụ việc chế tạo, tàng trữ pháo nổ bị lực lượng chức năng phát hiện và đưa tin. Điều đáng chú ý, đối tượng bị phát hiện lại là học sinh dưới 18 tuổi. Các em đều khai nhận học cách chế tạo pháo trên các nền tảng mạng xã hội, sau đó mua nguyên liệu bán sẵn trên mạng rồi học làm theo.
Bỏng toàn thân, dập nát tay chân vì pháo tự chế
TikTok, YouTube là hai nền tảng được học sinh sử dụng để tìm kiếm nội dung chế tạo pháo nổ. Khi nhập từ khóa “cách chế tạo pháo”, Tri Thức - Znews nhận được hàng loạt kết quả, từ video dài trên 5-7 phút, cho đến những video ngắn có thời lượng dưới 1 phút 30 giây.
Các video cũng nhận được lượt xem không nhỏ. Ví dụ, một video có tiêu đề "Chế tạo pháo cối mini đón Tết 2021/Đốt pháo cối nổ to và uy lực" thu về hơn 136.000 lượt xem. Một video khác có tiêu đề "Cách làm pháo diêm cực đơn giản" cũng thu về hơn 254.000 lượt xem.
Loạt video chế tạo, bán pháo được chia sẻ trên nền tảng TikTok. |
Đối với nền tảng TikTok, nếu nhập thẳng từ khóa “cách chế tạo pháo”, nền tảng sẽ không hiển thị video liên quan. Tuy nhiên, khi Tri Thức - Znews đổi cách nhập từ khóa, ví dụ như “thuốc trộn sẵn”, “phân bón” “combo phân bón”, “flash nhũ nhôm”, nền tảng sẽ gợi ý một số video về cách chế tạo pháo hoặc bán nguyên liệu làm pháo.
Để “lách luật”, người bán hàng trên TikTok không ghi rõ tên sản phẩm mà sử dụng “nickname” thay thế, ví dụ như bột lưu huỳnh, bột than… được gọi chung là “phân bón”, dây cháy chậm lại được gọi là “dây uốn cây cảnh”, vỏ pháo bi được gọi là “vỏ bóng”...
Trao đổi với Tri Thức - Znews về tình trạng học sinh tự chế, sử dụng, tàng trữ pháo, cô Vũ Thanh, giáo viên THCS tại Hà Tĩnh, nói rằng tình trạng này xảy ra rất nhiều, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Không riêng người lớn tàng trữ pháo hoa, trẻ em cũng bắt chước tự chế pháo nổ từ những nguyên liệu giá rẻ, sau đó rủ nhau đốt pháo trên mặt đường, trên ruộng hoặc thậm chí ngay gần trường học.
“Cứ đến Tết Nguyên đán, tôi lại nghe thấy tiếng pháo tự chế. Nhiều khi đang dạy trong lớp, tôi bị giật mình với tiếng pháo bi được đốt gần trường”, cô Thanh nói.
Pháo bi mà cô Thanh đề cập là loại pháo có hình tròn, đường kính khoảng 2 cm, tròn như viên bi. Loại pháo này tạo ra tiếng nổ khá lớn và có khói, có thể gây thương tích nhẹ nếu đứng gần. Cô giáo trẻ cho biết học sinh tại địa phương của cô rất “chuộng” loại pháo này vì rẻ, dễ giấu trong quần áo, cặp sách, đặc biệt là có thể tự chế tạo.
“Gần như năm nào, trường tôi cũng phát hiện một số trường hợp học sinh chơi pháo, chế tạo pháo. Vài năm trước, các em mua pháo trên Facebook, thông qua người quen, nhưng hiện tại đã chuyển qua TikTok nhiều hơn”, cô giáo thông tin.
Dù biết pháo tự chế tiềm ẩn loạt rủi ro, mối nguy hại đến sức khỏe và tính mạng, các nhà sáng tạo nội dung vẫn liên tục đăng video, bày bán sản phẩm làm pháo, để những nội dung này tràn lan trên mạng và tiếp cận đến người xem là học sinh, trẻ em dưới 18 tuổi. Chính những nội dung này gây ra hàng loạt vụ việc thương tâm mỗi khi đến dịp Tết Nguyên đán.
Tháng 12/2024 vừa qua, toàn quốc xảy ra 14 vụ tai nạn do pháo, khiến 5 người thiệt mạng và 26 người bị thương. Trong số đó, tỉnh Quảng Bình ghi nhận 4 học sinh phải nhập viện cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Đầu tháng 1/2025, 4 học sinh ở Gia Lai cũng phải nhập viện do tai nạn trong lúc tự chế pháo tại nhà.
Tại TP.HCM, chỉ trong một tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận gần chục bệnh nhân bị bỏng nặng, dập nát tay chân vì tự chế pháo. Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận hai trường hợp trẻ em bị bỏng do pháo nổ.
Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 3 trong số 6 bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng. Nhóm bệnh nhân này có độ tuổi từ 15-17, mức độ bỏng 2-3 và tỷ lệ bỏng toàn thân lên đến 31-50%.
Trước đó, một bệnh nhân 12 tuổi cũng phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nghiêm trọng do chế tạo pháo. Em này bị dập nát bàn tay trái, bỏng 20% toàn thân và tổn thương cả hai giác mạc.
Sau 3 giờ phẫu thuật cấp cứu, các bác sĩ phải cắt lọc nhiều vết thương ở tay, đùi, ngực và bụng. Bàn tay trái của bệnh nhân không thể giữ được do dập nát quá nghiêm trọng và đã bị cắt cụt.
Bệnh nhân nặng nhất trong vụ nổ pháo tự chế ở Tây Ninh được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC. |
Ký cam kết chán chê vẫn lên mạng mua nguyên liệu làm pháo
Để ngăn chặn, hạn chế tai nạn, rủi ro do pháo nổ, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm; phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với trường hợp trao đổi, cho, tặng... vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép, sử dụng cac loại pháo, thuốc pháo trái phép; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với trường hợp vận chuyện, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháp.
Dù đã có chế tài, quy định xử phạt, những nội dung này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến các gia đình và học sinh. Cô Vũ Thanh cho biết những trường hợp học sinh chế tạo, sử dụng, tàng trữ pháo thường là học sinh THCS và THPT.
Học sinh tiểu học vẫn có nhưng ít hơn vì các em chưa có nhiều tiền tiêu vặt và chưa có điện thoại cá nhân. Nhưng với học sinh độ tuổi THCS và THPT, các em thường được phụ huynh cho tiền ăn sáng, tiền mua dụng cụ học tập và sẽ dùng số tiền đó để lên mạng mua nguyên liệu.
Ngoài ra, cô giáo nhận định học sinh ở độ tuổi này rất tò mò, thích khẳng định bản thân với bạn bè nên có xu hướng làm những điều “cool ngầu” để được mọi người trầm trồ. Hơn nữa, người lớn cũng là một phần nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến trẻ. Khi thấy người lớn mua bán pháo hoa, các em cũng có xu hướng bắt chước để kiếm tiền tiêu vặt.
“Tò mò” cũng là điều mà TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề cập khi nói về lý do trẻ nhỏ thích chế tạo, tàng trữ pháo. Ông nói rằng trẻ ở độ tuổi này thích khám phá, học hỏi nên sẽ tự mày mò, bắt chước những nội dung các em thấy trên mạng xã hội.
Nhóm học sinh ở Hà Tĩnh bị phát hiện chế tạo, tàng trữ quả pháo nặng một kg. Ảnh: TTCP. |
Tuy nhiên, TS Thông nhấn mạnh trong câu chuyện này, lỗ hổng kiểm soát nội dung trên Internet chỉ là một phần, quan trọng hơn hết vẫn là sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ người lớn.
Theo TS Thông, việc các nội dung về chế tạo pháo trên mạng được “lách luật” và vẫn có thể tiếp cận đến trẻ dưới 18 tuổi không phải chuyện hiếm. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng này vẫn xảy ra và gây hại cho trẻ em trong nhiều năm qua. Dù các nền tảng đặt ra quy định hạn chế độ tuổi, trẻ nhỏ vẫn có thể tự tạo hồ sơ giả để xem được những nội dung người lớn mà không sợ bị phát hiện.
Nhìn chung, TS Huỳnh Văn Thông nói rằng việc kiểm soát nội dung trên Internet hiện nay rất khó vì ai cũng có thể đăng bài và ai cũng có thể xem được những nội dung đó. Vì thế, điều quan trọng là người lớn (bao gồm gia đình, nhà trường và xã hội) cần phải bảo vệ trẻ trước những nội dung không phù hợp với lứa tuổi.
“Vấn đề không nằm ở TikTok hay YouTube, mà nó nằm ở việc chúng ta cần có ý thức xây dựng cơ chế giám sát, hỗ trợ và bảo vệ trẻ trên không gian mạng”, TS Thông nhấn mạnh.
Nhiều năm qua, các trường phổ thông trên cả nước vẫn thường tổ chức cho trẻ ký cam kết không sử dụng, tàng trữ, mua bán pháo nổ trong dịp Tết. Ông nói rằng tờ cam kết chỉ mang giá trị nâng cao nhận thức, rất khó để cấm trẻ hoàn toàn.
“Việc sử dụng Internet ngày nay quá dễ dàng, chúng ta cần phải giáo dục trẻ kỹ hơn về ý thức sử dụng, chọn lọc thông tin trên mạng. Nền tảng nào cũng có thể lách luật, nên nếu người lớn không giám sát chặt, nguy cơ trẻ tự chế tạo pháo vẫn có thể xảy ra”, TS nói.
Cô Vũ Thanh cũng đồng tình với quan điểm này. Là giáo viên THCS, mỗi năm, cô đều hướng dẫn học sinh ký cam kết không sử dụng, tàng trữ, mua bán pháo nổ, nhưng tờ cam kết chỉ mang tính hình thức, không mang giá trị răn đe cho học sinh. Thậm chí, nhiều em không đọc hết bản cam kết, chỉ ký theo yêu cầu “như một cái máy”.
Một điều mà cô Thanh đề cập thêm chính là sự quan tâm của phụ huynh. Phần lớn vụ việc học sinh bị phát hiện chế tạo pháo, phụ huynh đều không biết vì không gần gũi, theo dõi con sát sao. Đến khi con bị nhà trường, công an phát hiện, họ mới tá hỏa biết chuyện.
“Nhiều gia đình bận làm ăn, họ cứ mua điện thoại cho con, mỗi ngày cho con tiền tiêu vặt rồi nghĩ như vậy là xong nhiệm vụ. Họ không hề biết chính điều đó lại tiếp tay cho con làm những điều nguy hiểm”, cô giáo nói.
Vì thế, cô Thanh đề xuất phụ huynh cần sát sao, quan tâm con nhiều hơn, không nên phó mặc mọi nhiệm vụ cho giáo viên và nhà trường. Cô giáo cũng mong có thêm chế tài, quy định xử phạt nghiêm những trường hợp học sinh vi phạm về pháo nổ để làm gương, răn đe cho học sinh khác.
"Không riêng phạt học sinh, tôi nghĩ cần có chế tài phạt cả phụ huynh, như vậy giá trị răn đe sẽ được nâng cao", cô Thanh đề xuất.