Tranh cãi chọn "Hoa hay ngọc" đang là chủ đề nóng trên các trang mạng xã hội những ngày qua. Clip thực nghiệm xã hội đã cho thấy các cô gái sẵn sàng giẫm nát những bó hoa để được nhận ngọc trai từ người xa lạ.
Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về lối sống thực dụng của nhiều cô gái hiện nay.
Nhiều cô gái sẵn sàng giẫm nát bó hoa người yêu tặng để chọn ngọc khiến dân mạng tranh cãi |
Nhà văn Hoà Bình cho rằng bạn gái dễ dàng lựa chọn giẫm nát hoa mà bạn trai vừa tặng để đổi lấy vật chất là một hình ảnh rất tệ, nhất là khi ngày 8/3 đang đến gần.
“Cô gái đạp lên hoa hay là đạp lên cái đẹp của chính mình nhỉ ? Tiền (giá trị vật chất) cũng quý nhưng không bao giờ là đủ và càng không bao giờ là tất cả. Sống thực dụng đến mức mù quáng thì không chỉ tuổi trẻ mà hết cả cuộc đời sẽ luôn lao theo tiền tài vật chất một cách khổ sở và có thể vẫn không đạt được nó”, nhà văn Hoà Bình lên tiếng.
Nhà thơ Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng cho rằng giẫm nát hoa để nhận quà ngọc trai cũng giống như chà đạp lên giá trị tinh thần.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản ứng lối sống thực dụng, phản văn hoá của các cô gái thì một vấn đề cũng được đưa ra tranh cãi, đó là có nên tặng hoa hay một món quà nào đó thiết thực.
Nhà văn Nguyễn Hoà Bình cho rằng tặng quà ngày lễ cho phù hợp phụ thuộc vào đầu óc sáng tạo, ý tưởng độc đáo của mỗi người.
Cũng thời tuổi trẻ trắng tay, nhưng chắc chắn bạn gái sẽ vô cùng hạnh phúc khi món quà của bạn trai có thể không có giá trị vật chất nhưng không ai khác ngoài anh ta là người có thể mang nó đến.
“Các bạn trai đừng để tư duy lười biếng chẳng nghĩ ngợi gì, cứ tiện đường mua bó hoa bèo bèo ấn vào tay bạn gái là xong”, tác giả “Gọi con người” cho biết.
Nữ nhà văn Nguyễn Hoà Bình |
Nhà văn Hoà Bình nói thêm, có nhiều cách để tặng quà, không nhất thiết cứ phải chọn hoa vì lãng phí, hoa 1-2 ngày là héo, coi như vứt đi cả trăm nghìn đến triệu đồng.
“Nếu đàn ông bớt mua những bó hoa vô duyên kiểu đó thì xã hội cũng không sinh ra những người bán hoa vô ý đứng đầy các tuyến phố dịp lễ hòng kiếm lời vô cảm. Tặng gì cũng được nhưng quan trọng nhất vẫn là tấm lòng chân thành mới có thể khiến người nhận cảm động”, nhà văn Hoà Bình cho hay.
Những dịp lễ lớn, như 8/3, là dịp để kích cầu kinh tế, thúc đẩy giao thương. Ở các nước phát triển, ngày lễ là lúc các nhãn hàng giảm giá rất nhiều để kích thích mua bán, giúp người ta chọn được những món quà ý nghĩa.
Tuy nhiên ở Việt Nam, bệnh hình thức dường như vẫn còn nặng nề nên rất nhiều người chấp nhận lãng phí, mua những bó hoa ở giá trên trời.
Lý giải thực trạng này, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng vì tư duy của hầu hết những người bán hàng hiện nay là tư duy “con buôn”.
Ông Việt dẫn chứng: "Dịp nào mà bán được càng nhiều hàng hóa thì càng phải tranh thủ “vặt lông cho kỳ hết” đối với khách hàng. Được một ngày thì phải cố gắng khai thác tối đa lợi nhuận một ngày".
Câu chuyện của những bó hoa trong dịp 8/3 hay những miếng vàng Thần tài trong ngày Thần tài gần đây cũng không khác gì nhau. Giá cả của món hàng vào ngày lễ với một ngày sau đó có thể hình dung giống như một bên là núi cao một bên là… đồng bằng.
“Với các nước, họ giảm giá các mặt hàng vào các dịp lễ lạt để kích cầu kinh tế, còn chúng ta thì ngược lại chỉ giảm giá vào mùa thấp điểm còn mùa cao điểm thì cố gắng bán giá càng cao càng tốt để bù lại. Thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”, tác giả “Về đâu những vết thương” chia sẻ quan điểm.
Trước quan điểm sự lãng phí từ việc tặng hoa kéo lùi cả nền kinh tế, nhà văn Hoà Bình cho rằng căn bệnh hình thức, thói phù phiếm và tư duy lãng phí quá phổ biến và đã ăn sâu bén rễ vào người Việt.
Nhiều khi người tặng không cần biết người nhận có vui với quà tặng hay không mà chỉ là làm cho xong việc, cho hết nghĩa vụ.
“Là phụ nữ, nếu nhận được những bó hoa kiểu đó tôi kêu gọi các bạn nữ hãy phản ứng trực diện. Hãy góp ý chân thành và thẳng thắn với người tặng rằng các anh đừng góp phần kéo lùi sự phát triển của kinh tế. Góp ý thẳng thắn chứ không dẫm đạp lên tình cảm của người khác”, nữ nhà văn Hoà Bình cho hay.