Đắt vẫn... xắt ra miếng
Sự xuất hiện của những trái lê Trung Quốc được gắn mác Hàn Quốc trên thị trường đang khiến người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy bối rối và bực bội khi muốn chọn một sản phẩm "đáng đồng tiền bát gạo" so với mức giá.
" Và tình hình này ngày càng nghiêm trọng, khi những quả lê Trung Quốc liên tục được nhái hoàn toàn từ bao bì tới nhãn hiệu của chúng ta" – đó là lời khẳng định trong một phóng sự phát trên đài truyền hình KBS (Hàn Quốc) vào đầu năm 2021 này.
Vài tháng trước đó, trong bài viết có tên Cần những biện pháp khẩn cấp với lê nhái Hàn Quốc tại Việt Nam, báo điện tử Wonyesanup của xứ Kim chi cũng nhắc tới việc Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu đầy hứa hẹn của loại trái cây này với lượng nhập trung bình khoảng 7000 tấn/năm. Dù vậy, trong bối cảnh lê Trung Quốc dán mác Hàn Quốc đang tràn lan tại đây, nguy cơ sụt giảm xuất khẩu của lê Hàn là có thật.
Dẫn lời ông Choi Hyungsoo, Giám đốc Evergood, công ty cung cấp phần lớn lượng lê Hàn tại Việt Nam, bài báo cho biết: Những trái lê Trung Quốc sang Việt Nam bằng xe tải nên thuận tiện và có số lượng nhiều hơn hẳn sản lượng lê nhập qua đường hàng không tại Hàn Quốc. Để rồi, khi vào Việt Nam, chúng được sử dụng toàn bộ mẫu mã của Evergood kể từ giấy gói, tem mác, thùng carton cho tới hình lá cờ Hàn Quốc in bên ngoài.
|
Những trái lê thương hiệu Evergood được tuyển chọn kĩ càng dựa trên nhiều tiêu chí |
Thực tế, đây không phải là một câu chuyện mới. 6 năm trước, khi Hội chợ thực phẩm Hàn Quốc ( K food) được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội phân phối thực phẩm Hàn Quốc Ko Sang Go cũng đã phải lên tiếng về tình trạng lê Trung Quốc "đội lốt" lê Hàn đang chiếm lĩnh các sạp hàng tại Việt Nam. Để rồi, suốt những năm sau đó, người tiêu dùng vẫn thường thắc mắc và bất bình khi bắt gặp sự khác biệt về chất lượng của cùng một khái niệm "lê Hàn Quốc" trên thị trường.
Theo chia sẻ của một số người kinh doanh lâu năm, khác với loại lê được nhập khẩu trực tiếp vào từ Hàn Quốc vào Việt Nam (chủ yếu mang thương hiệu Evergood), loại lê "nhái" dù vẫn có hình dáng giống lê Hàn Quốc nhưng được trồng và thu hoạch tại Trung Quốc. Sự khác biệt về nguồn nước, thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là kỹ thuật bón phân và cách thu hoạch liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm như tiêu chuẩn phun thuốc trừ sâu, khiến cho lê giả có vị sạn cát, đồng thời độ ngọt và giòn thấp hơn hẳn so với lê Hàn Quốc.
|
Những trái lê của Evergood được bọc trong bao giấy cho tới khi thu hoạch |
Đặc biệt, nếu như lê Hàn Quốc với thương hiệu Evergood vốn rất giàu vitamin A, C, D, E và pectin (chất giúp làm tăng độ xốp và men vi sinh giúp hệ tiêu hóa ổn định) thì lê Trung Quốc không chỉ là câu chuyện về sự thua kém trong giá trị dinh dưỡng. Xa hơn thế, từ nhiều năm qua, những loại hoa quả Trung Quốc có sự nhập nhèm, thiếu minh bạch về xuất xứ cũng luôn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng về việc lạm dụng hóa chất bảo quản hoặc còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng.
Đáng nói, theo các quy định hiện có, trái cây nhập khẩu vào Việt nam phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trái cây kinh doanh trong cửa hàng phải đảm bảo rõ ràng và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, khi một lượng lớn lê "nhái" Hàn Quốc được bán tại các sạp hàng trong chợ truyền thống hoặc qua các cửa hàng bán hoa quả online, việc tuân thủ các yêu cầu này trở nên rất mơ hồ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, lựa chọn tốt nhất của người tiêu dùng vẫn là việc nên mua hoa quả có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, ở những cửa hàng đáng tin cậy qua trải nghiệm của mình hoặc người thân. Tâm lý ham rẻ, mua hoa quả trôi nổi trên thị trường cần được sớm thay đổi.
"Nếu chúng ta coi sức khỏe là vàng, thì mỗi người sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho mình" – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói khi nhắc tới tâm lý ham rẻ hoặc việc ngại tìm tới các siêu thị lớn để lựa chọn hoa quả ngoại nhập của người dùng hiện nay.