Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận thông tin phản ánh của Công ty CP Acecook Việt Nam về hành vi kinh doanh, buôn bán gói súp Acecook “Hảo Hảo tôm chua cay” trái pháp luật, có dấu hiệu không đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc.
Cụ thể, người bán quảng cáo và bán riêng gói súp của mì ăn liền “Hảo Hảo tôm chua cay” với các chi tiết như gói mì trong thùng đã bị rạch ra để lấy gói súp bán riêng; gói mì được dán và đóng thùng lại để bán với giá 75.000 đồng/thùng (ghi rõ thùng mì không có gói súp); đơn vị bán hàng không phải là nhà phân phối của Acecook Việt Nam.
Gói súp Hảo Hảo được bán lẻ trên sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh chụp màn hình.
|
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, các hình thức kinh doanh nêu trên đều tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm, bởi lẽ việc gói mì bị xé để lấy gói súp không chỉ làm giảm mức độ bảo quản mà còn tác động trực tiếp tới chất lượng của vắt mì và gói súp.
Ngoài ra, khi tách gói súp ra bán riêng, thông tin về về hạn sử dụng sẽ không được thể hiện trên gói súp, dẫn tới người tiêu dùng không thể nhận biết được thời hạn sử dụng. Đồng thời, theo ghi nhận, đã có hiện tượng bán các gói súp giả, mạo danh thương hiệu "Hảo Hảo tôm chua cay".
Ghi nhận thực tế hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee… và trên trang mạng xã hội như Facebook cũng đang kinh doanh buôn bán tràn lan nhiều sản phẩm gói súp của mì ăn liền Hảo Hảo với xuất xứ không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng. Theo các đầu mối bán sản phẩm này đều khẳng định, các gói súp được lấy ra từ gói mì ăn liền “Hảo Hảo tôm chua cay” để bán riêng với giá dao động khá lớn từ 60.000 – 75.000 đồng/set 50 gói; từ 140.000 – 150.000/set 100 gói. Tuy nhiên, đáng nói các sản phẩm này đều không thấy ghi hạn sử dụng sản phẩm.
Gói súp mì Hảo Hảo không rõ nguồn gốc, được rao bán đầy trên mạng với giá từ 75.000 đồng/set 50 gói. Ảnh chụp màn hình. |
Trên cơ sở các thông tin và hiện tượng nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng trước khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng. Cục này cho hay người tiêu dùng có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các đánh giá (review) về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình.
Các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động là những cái tên được khuyên dùng. Hơn nữa, người tiêu dùng cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…
Về phía Acecook Việt Nam, thông tin trên báo chí, doanh nghiệp khẳng định Acecook không kinh doanh riêng lẻ gói súp Hảo Hảo (gói súp có bên trong sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo) trên các kênh bán hàng cũng như các trang thương mại điện tử.
Doanh nghiệp khuyến cáo những sản phẩm đang được bày bán này chưa được xác định mức độ thật giả, cũng như chất lượng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tại, Acecook Việt Nam chỉ sản xuất và kinh doanh là Muối chấm Hảo Hảo Tôm Chua Cay, với dạng hũ 120gr và hạn sử dụng 6 tháng. "Chúng tôi không kinh doanh sản phẩm muối nào khác", Acecook Việt Nam thông tin.
Thông tư 05/2019/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành có quy định rõ: Điều 6: Ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; trong đó Khoản 3: Hàng hóa chỉ thực hiện việc san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai khi được tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa cho phép và phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất trên nhãn gốc.
Việc sản xuất kinh doanh hàng giả là hành vi vi phạm pháp luật và vị xử lý hình sự dựa theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.