Chiến thắng trước hoàng đế Ba Tư trong trận đánh Gaugamela đã giúp Alexander đại đế thống lĩnh thế giới.
Sau trận Issus năm 333 TCN, bị Alexander đại đế đánh cho tan tác, nhục nhã, hoàng đế Ba Tư là Darius III quyết tâm dồn sức phục thù. Để đối phó binh đoàn tinh nhuệ của vị vua trẻ đến từ Macedonia, Darius III đã huy động gần hết lực lượng chư hầu ở châu Á, với gần 100.000 quân, đóng ở Lưỡng Hà, chờ đợi Alexander đại đế.
"Ta đây chẳng thèm ăn trộm chiến thắng"
Cũng vì nôn nóng muốn sống mái với đối thủ lớn nhất, mùa hè năm 331 TCN, Alexander đại đế (bấy giờ mới 25 tuổi) xua quân băng qua Syria, tới sông Euphrates.
Biết tin quân của Alexander đại đế đang kéo tới, Darius III cho quân chặn đường vận tải lương thảo của đối thủ ở thung lũng Euphrates, buộc Alexander phải hành quân theo hướng đông bắc, về sông Tigris.
Darius III không ngăn cản Alexander đại đế vượt sông Tigris bởi ông đã chọn trước chiến trường ở Gaugamela (Iraq ngày nay). Với một vùng đồng bằng rộng, phẳng, quân số đông hơn, Darius hy vọng có thể bọc cả 2 cánh, bao vây kẻ thù.
|
Tranh vẽ chân dung Alexander đại đế trên chiến trận. |
Thế trận quân Ba Tư đã được dựng sẵn gồm 2.000 chiến xa phía trước, kỵ binh hùng hậu ở 2 bên, vua đứng giữa trung tâm, được đội Bất Tử Quân và 15 thớt voi bảo hộ.
Theo ghi chép của các nhà sử học, nhất cử nhất động bên phía Alexander đại đế đều được thám mã Darius III báo tin về. Khi nghe tin quân Macedonia hạ trại, Darius III đã sẵn sàng đón đánh. Tuy vậy, việc Alexander đại đế hoãn binh đã khiến quân Ba Tư rơi vào trạng thái mệt mỏi do phải trông chờ, thức suốt 2 đêm.
Ở bên kia chiến tuyến, Alexander đại đế cho quân vượt sông Tigris mà không hề biết Darius III đang đóng quân tại đâu, có bao nhiêu binh lính.
Sau 4 ngày hành quân, chạm trán một đội quân Ba Tư, bắt được tù binh để khai thác, Alexander đại đế mới mới biết đối phương đang trấn giữ vùng đồng bằng, cách binh đoàn của ông khoảng 10 km.
Từ đây, Alexander đại đế cho quân hạ trại nghỉ ngơi, dành 4 ngày chuẩn bị cho cuộc chiến lớn.
Theo sách “Danh tướng, các nhà cầm quân vĩ đại nhất lịch sử”, tối 29/9/331 TCN, Alexander cho quân tiến về Gaugamela với ý đồ thực hiện một cuộc hàng quân thâu đêm, tấn công kẻ địch ngay khi trời vừa sáng. Tuy nhiên, khi lên đến đỉnh đồi, nhìn xuống đồng bằng, ông đột nhiên ra lệnh ngừng lại.
Qua ánh lửa trại, ông nhìn thấy toàn cảnh của quân đội Ba Tư. Tướng lĩnh khuyên Alexander đánh úp quân Ba Tư nhưng ông không nghe theo.
Vị vua trẻ không muốn đánh lén, ông chỉ muốn đánh bại vua Ba Tư Darius III trong một trận chiến sòng phẳng với lý giải "Ta đây chẳng thèm ăn trộm chiến thắng”. Bởi theo ông, chỉ như vậy, vua Ba Tư mới không bao giờ dám tấn công quân đội Macedonia lần nữa.
Trận đánh kinh điển của vị vua trẻ
Hôm sau, ông tiếp tục cho thám hiểm địa hình, hoàn thiện kế hoạch tấn công.
Để giành thế chủ động trong trận đánh quyết định, Alexander đại đế đã điều chỉnh chiến thuật, xếp cả bộ binh lẫn kỵ binh vào 2 bên cánh, ngăn không cho quân địch đánh bọc sườn, thiết lập bộ binh thứ 2 ở hậu quân, sẵn sàng quay ngược, phòng thủ phía sau tiền tuyến.
Sau khi sắp xếp xong xuôi mọi thứ, ông bình thản đi ngủ. Theo mô tả của sách “Danh tướng, các nhà cầm quân vĩ đại nhất lịch sử” cùng các sử liệu khác, sau một giấc ngủ ngon, Alexander đại đế dậy sớm, khoác chiến bào lên mình, phi ngựa dọc hàng quân, hô hào binh lính dũng cảm đánh địch.
Tranh vẽ trận Gaugamela. Ảnh: History. |
Quân đội Macedonia tiến vào đồng bằng, Alexander dẫn đầu đội kỵ binh, có bộ binh tinh nhuệ hỗ trợ, càng tiến, càng lấn sang bên phải.
Khi giáp chiến, nhà vua ra lệnh cho cung thủ, lính ném đá, kỵ binh tấn công cánh trái của quân đội Ba Tư. Quân Ba Tư cũng lao vào phần giữa của quân Macedonia nhưng bị ngăn chặn.
Alexander tiếp tục cho quân di chuyển lệch phải. Darius bối rối, vội vàng điều binh để chặn lại. Đây chính là sai lầm của vua Ba Tư. Kỵ binh bên cánh trái của Darius III sau đó bị cuốn vào cuộc chiến do Alexander đại đế khởi xướng, để lại lực lượng bộ binh bị sơ hở ở giữa.
Alexander và kỵ binh lao vào tấn công người Ba Tư. Chiến trường hỗn loạn, bụi đất mù trời. Sự hoảng loạn lan truyền khắp quân đội Ba Tư. Binh sĩ Ba Tư như rắn mất đầu, đội ngũ rối bời, bỏ chạy tán loạn.
Phát hiện Darius III bỏ chạy, Alexander đại đế toan cho quân đuổi theo nhưng thấy các cánh quân khác của mình đang bị tấn công nên ông quay lại ứng cứu. Nhờ đó, Darius III và tàn quân có cơ hội chạy thoát.
Theo ghi chép của các nhà sử học, sau cuộc chiến, phía Macedonia chỉ mất khoảng 700 người, trong khi phía Ba Tư mất chừng 50.000 quân.
Sau chiến thắng này, Alexander chiếm Babylon, thủ đô Persepolis của Ba Tư, tuyên bố mình là vua châu Á. Bốn tháng sau, quân Macedonia đốt cháy cung điện hoàng gia ở Persepolis, kết thúc đế chế Ba Tư cổ đại.
Với đội quân bao gồm 32.000 bộ binh, 5.100 kỵ binh, Alexander đại đế đã đánh chiếm hầu hết lãnh thổ của đế chế Ba Tư ở Tiểu Á, Syria, Ai Cập mà không thua bất cứ trận nào.
Năm 333 TCN, ông tiếp tục chinh chiến các mảnh đất mới, bao gồm Syria và Ai Cập, nơi ông thành lập một thành phố mới tên Alexandria.
Theo đánh giá của các nhà sử học, chiến thắng vĩ đại nhất của ông chính là trận Gaugamela - cuộc đối đầu cuối cùng với quân đội hùng mạnh của đế quốc Ba Tư.