Dàn tên lửa TOS-1A khai hỏa. |
Phía tây Aleppo do Quân đội Syria nắm giữ. Một số khu vực phía bắc do lực lượng người Kurd (PYD) kiểm soát. Đây chính là lực lượng đánh nhau với phiến quân IS nhiều nhất, nhiều hơn cả Quân đội Syria. PYD còn có thể được coi là một đồng minh quan trọng của chính quyền Obama, nhưng lại bị chính quyền Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ ghét cay ghét đắng.
Mạn đông Aleppo chính là chìa khóa của trận chiến Aleppo sắp tới. Phần lớn khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát của “Đạo quân chinh phục”, với Mặt trận al-Nusra – chi nhánh của al- Qaeda ở Syria – và nhóm thánh chiến Ahrar al-Sham là lực lượng nòng cốt. Một số điểm ở phía đông Aleppo nằm trong tay "tàn dư" của Quân đội Syria tự do (FSA) vốn từ chối hợp tác với “Đạo quân chinh phục”. Trong con mắt của Lầu Năm Góc, lực lượng này được coi là quân nổi dậy “ôn hòa”. Phiến quân IS không phải là lực lượng chính ở trong và xung quanh Aleppo.
Diễn biến quan trọng nhất gần đây trên chiến trường Aleppo là Quân đội Syria - với sự yểm trợ của Không quân Nga – tiêu diệt được Abu Suleiman al-Masri (Mahmud Maghwari), một thủ lĩnh của Mặt trận al-Nusra bị truy nã ở Ai Cập.
Ngoài ra Quân đội Syria, còn có hàng trăm chiến binh người Shiite đến từ Iraq (dưới sự giám sát Tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, tướng Qasem Soleimani) đã được đưa đến Aleppo từ Latakia và khoảng 3.000 chiến binh Hezbollah thiện chiến cũng hội quân ở đây.
Chiến dịch tấn công tái chiếm Aleppo
Chiến dịch tấn công tái chiếm Aleppo được bắt đầu từ phía nam. Tất cả các lực lượng tham gia tấn công ở đây không nhằm đánh thẳng vào thành phố Aleppo mà nhằm “dọn sạch” hành lang nối liền với biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và trên thực tế nằm trong vùng cấm bay do Nga áp đặt.
Mục tiêu hàng đầu của giai đoạn một trong chiến dịch tái chiếm Aleppo là cắt đứt tuyến đường tiếp vận cho các lực lượng chống chính phủ: từ quân nổi dậy “ôn hòa”, thánh chiến đến phiến quân IS. Moscow gọi tất cả các lực lượng này là “khủng bố”, vì trong con mắt Điện Kremlin không hề có cái gọi là “khủng bố ôn hòa”.
Trên thực tế, các chiến dịch ở Syria hiện nay đều có sự điều phối của Nga về chiến lược, chiến thuật và tác chiến, trong khi Iran chỉ đạo các chiến dịch trên mặt đất. Liên minh Nga-Syria-Iran-Iraq-Hezbollah ở Syria còn liên kết với Trung tâm tình báo "4+1" ở Baghdad.
Để có thể giành chiến thắng, chiến dịch tái chiếm Aleppo cần hội đủ ba điều kiện. Đó là không quân Nga yểm trợ cho tất cả các hoạt động tác chiến trên mặt đất, sự ủng hộ của cư dân Aleppo và sự tham gia của ít nhất 15.000 binh sĩ dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Diễn biến chiến dịch Aleppo tác động đến mặt trận ngoại giao
Những gì xảy ra trên các chiến trường trong và xung quanh Aleppo vài tuần tới sẽ có ý nghĩa quyết định đối với mặt trận ngoại giao.
Sau khi nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã thay đổi giọng điệu và nói bất kỳ giải pháp chính trị nào đều cần sự tham gia trực tiếp của Damascus và các nhóm "đối lập yêu nước”.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngỏ ý rằng Nga có thể giúp đỡ các nhóm “đối lập yêu nước”, miễn là họ chiến đấu chống phiến quân IS. Chỉ có điều, các chiến binh FSA “vừa nổi loạn vừa yêu nước" này đã chối bỏ đề nghị của ông Lavrov.
Có một sự phi lý về ngoại giao là sự vắng mặt của Iran trong các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến giải pháp chính trị ở Syria, do sự phản đối của Ả-rập Xê-út. Trong khi đó, các viên tướng và các cố vấn Iran là thành phần quan trọng của chiến dịch mặt đất, phân tích thông tin trên bộ và hoạch định chiến lược ở Syria.
Vở kịch ngoại giao giữa Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út sẽ tiếp tục vào cuối tuần này và mức độ kịch tính của nó phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của chiến dịch tái chiếm Aleppo của Quân đội Syria cùng các đồng minh.