"Đặt online thì tiệm báo hết hàng hoặc không được phản hồi, ra siêu thị phải chen chúc xếp hàng, nguy cơ lây bệnh. Mà ở nhà thì không có thức ăn", chị Thùy Dung (ngụ quận Phú Nhuận) than vãn khi đang đứng trong dòng người vào siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu tối 8/7.
Sau khi 3 chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM tạm đóng cửa, nguồn hàng hóa phân phối về các hệ thống bán lẻ bị ảnh hưởng khiến người dân lo sợ khan hiếm thực phẩm nên đã đổ xô đi mua đồ dự trữ.
Bất chấp nguy cơ lây nhiễm ở chỗ đông người, họ vẫn đến mua hàng trực tiếp và lâm vào tình cảnh chờ đợi, mệt mỏi.
Nhiều người ngồi la liệt, chờ hơn 2 giờ để được thanh toán tại siêu thị Emart (Gò Vấp). Ảnh: Duy Hiệu. |
Tối 5/7, đại siêu thị Lotte Mart trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) gấp rút đóng cửa, yêu cầu toàn bộ nhân viên và khách hàng ở lại để xét nghiệm Covid-19 khẩn cấp vì có ca F0 từng đến. Chị Uyên (ngụ quận 8) là một trong những người phải ở lại, gần 12h khuya mới được về.
“Tôi đang mua đồ thì loa phát thông báo, yêu cầu khách hàng sau khi thanh toán phải ra ngoài thực hiện xét nghiệm nhanh. Tôi thấy hàng dài người xách đồ ngồi đợi la liệt ở sảnh siêu thị, lần lượt lên lấy mẫu rồi đợi hơn 30 phút sau có kết quả âm tính mới được về”, chị Uyên kể lại.
Trải qua sự việc này, chị cho biết bản thân còn rất hoang mang, lo lắng, không dám đi siêu thị hay chợ trong thời gian tới, vì sợ lây nhiễm.
Vì Lotte Mart tạm đóng cửa, cư dân quanh khu vực quận 7 đổ dồn về các siêu thị nhỏ hơn, tuy nhiên họ gặp phải tình trạng khác.
7h sáng ngày 8/7, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), chị Mai ngụ gần đó đứng xếp hàng đợi gần 30 phút mới được vào. “Tôi bất ngờ trước hoàn cảnh này, vì mới tuần trước tôi vào đây mua đồ chỉ tốn khoảng 15 phút”, chị nói.
Theo mô tả của chị Mai, cửa hàng duy trì 10 khách bên trong cùng lúc, nhân viên đứng xịt rửa tay và một phần trang phục của khách. Chị cho biết hàng hóa thời điểm này không còn nhiều sự lựa chọn, phần nhiều là thịt, cá, tôm đông lạnh, nếu đi muộn khoảng một giờ nữa chắc không còn thịt tươi, đồ hộp cũng còn loe hoe.
Chị Mai mua 3 bó rau với giá 140.000 đồng (đơn giá 50.000 đồng/kg), thịt heo 200.000 đồng/kg (tăng khoảng 30.000 đồng/kg so với bình thường).
Tình trạng các kệ hàng thực phẩm trống diễn ra nhiều trong những ngày qua do lượng người mua quá đông. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Anh Thanh Phong (ngụ quận 4) cũng gặp tình trạng tương tự khi đi siêu thị Co.opMart trên đường Cống Quỳnh (quận 1) hôm 7/7. “Vừa đến tôi đã thấy cảnh xếp hàng vào đợi gửi xe, 5 hàng dài người chờ vào siêu thị, mỗi lượt chỉ được 5 người vào”, anh Phong cho biết.
Không muốn mất thời gian, anh đã rủ bạn đi cùng đứng chờ để không phải gửi xe, tuy nhiên đợi gần 30 phút không vào được, anh ra về tìm đến siêu thị khác.
Trước đợt giãn cách xã hội tháng 4/2020, anh Phong từng trải qua hơn 3 giờ chen chân trong biển người mua sắm tại siêu thị này. Gần 40 quầy tính tiền ở đây hoạt động hết công suất nhưng vẫn không nhanh hơn vì mỗi người mua nhiều đồ hơn.
Tình trạng quá tải người mua và khan hiếm hàng hóa ở các chợ truyền thống, siêu thị lớn nhỏ xảy ra trong vài ngày gần đây, khi TP.HCM thông báo tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.
Dù TP.HCM khẳng định không lo thiếu thực phẩm, người dân vẫn đổ xô đi gom đồ dự trữ vì nhiều lý do họ cho là hợp lý.
Anh Thanh Phong từng đi chợ online qua các ứng dụng bán lẻ. Tuy nhiên những ngày gần đây việc đặt giao nhận hàng bị chậm trễ, thậm chí liên tục “cháy” hàng, khiến anh sốt ruột nên đành phải tự đi siêu thị.
"Đi siêu thị dù có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng vẫn có các biện pháp bảo vệ như nhân viên đeo kính chắn giọt bắn, màng che tại quầy tính tiền, kiểm soát lượng người ra vào, an toàn hơn đi chợ truyền thống", anh Phong chia sẻ quan điểm.
Bên cạnh đó, nhiều người nghi ngại thực phẩm giao tận nhà sẽ không phải hàng chất lượng nhất, giảm độ tươi ngon, nên muốn trực tiếp đến mua hàng. Thậm chí một số bà nội trợ cẩn thận, mua thực phẩm đóng hộp, đồ khô cũng phải đến tận nơi để kiểm chứng hạn sử dụng.
Ngoài ra còn một bộ phận người dân quen đi chợ truyền thống và không biết sử dụng cách thức đặt hàng trực tuyến, khi chợ đóng cửa chỉ biết đến siêu thị là phương án tốt nhất.
Thực phẩm đóng gói, đông lạnh được người dân tìm đến sau khi mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau củ hết sạch. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bà Ánh Hồng (ngụ quận Tân Bình) gặp khó khăn khi thao tác đặt mua hàng trên điện thoại do đã lớn tuổi. "Tôi thỉnh thoảng gọi điện nhờ một số tiểu thương ở chợ giao thực phẩm đến nhà, nhưng sau khi chợ tự phát gần nhà bị dẹp để tránh tụ tập đông người, người ta không tiện đường nên không nhận giao hàng nữa. Vì thế tôi tự vào các siêu thị tiện lợi xung quanh mua đồ. Không đi thì lấy gì mà ăn", bà Hồng nói.
Trong khi đông đảo người dân nườm nượp đi tích trữ thực phẩm, một số cá nhân, tập thể lại chọn cách nhẹ nhàng, dễ thương hơn để hỗ trợ bà con lối xóm, khi họ không có điều kiện đi mua đồ.
Nhiều nhóm bạn trẻ đã gom hàng tấn rau củ sạch từ các vườn Đà Lạt hỗ trợ người dân ở TP.HCM từ những ngày đầu giãn cách.
Trên mạng xã hội, anh Son Huynh ở miền Tây cũng đăng tin bán lẻ tôm sống nhà nuôi với giá phải chăng, do chợ đầu mối Bình Điền ngưng hoạt động khiến việc cung cấp, trao đổi hàng hải sạn bị hạn chế. Tại phường Phước Bình (TP Thủ Đức), một người dân có vườn rau xanh ở quê đã chuyển lên để tặng người dân xung quanh.
Sở Công Thương TP.HCM khẳng định thành phố không lo thiếu thực phẩm, đồng thời công bố danh sách 2.833 điểm bán những mặt hàng thiết yếu (lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay) phân phối trên địa bàn TP.HCM tại 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi, tính đến ngày 7/7.