Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, 8 tháng năm 2020, xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, 7 tháng năm 2020, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu với 58,2% thị phần. Tuy nhiên, 7 tháng qua giá trị xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ đạt 1,15 tỷ USD, giảm tới 28,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trái ngược với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau củ quả, trái cây Việt Nam sang Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan tăng mạnh. Đặc biệt, trong 7 tháng năm 2020, rau quả Việt cực kỳ đắt hàng tại Thái Lan khi xuất khẩu sang thị trường này tăng tới 215,5%.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng thông tin về các mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực giảm mạnh. Cụ thể, mặt hàng chiếm thị phần xuất khẩu cao nhất trong các loại trái cây là thanh long giảm 7,7%, chuối giảm 9,1% dưa hấu giảm 37,7%, sầu riêng giảm 66,3% và nhãn giảm tới 78,5%.
Lượng hàng xuất khẩu giảm là một trong những nguyên nhân khiến giá thanh long trong tháng 8 giảm thê thảm |
Kéo theo đó, trong tháng 8 giá thanh long tại nhà vườn ở một số tỉnh như Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Lắk xuống mức giá còn 3.000-3.500 đồng/kg, trong khi con số này của cuối tháng trước là 6.000-7.000 đồng/kg.
Các thương lái cho biết, mùa này thanh long chín rộ trúng ngay thời điểm Covid-19 tái phát ở nhiều nơi trong nước khiến hoạt động tiêu thụ gặp khó khăn. Các vựa xuất khẩu cầm chừng, nguồn hàng trong kho còn ứ đọng nhiều, nên giá bị đẩy xuống nhanh.
Tương tự, mùa thu hoạch nhãn ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Hưng Yên vào những ngày dịch Covid-19 quay trở lại, ảnh hưởng đến tiêu thụ. Nhãn tươi loại đẹp nhất tại vườn có giá từ 13.000-14.000 đồng/kg và có thời điểm xuống đến 7.000-8.000 đồng/kg;
Ở tỉnh Bến Tre do ảnh hưởng ước mặn khiến trái tại hầu hết vườn dừa xiêm không đạt chất lượng, thương lái chỉ thu mua với giá 6.000 đồng/12 quả.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, xuất khẩu trái cây sang Mỹ có nhiều tín hiệu khả quan sau những nỗ lực đàm phán của Bộ NN-PTNT Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Mỹ. Theo đó, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã tiếp tục cử chuyên gia thực hiện giám sát xử lý hoa quả tươi xuất khẩu sang thị trường này sau những gián đoạn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Ngoài thị trường Trung Quốc, xuất khẩu trái cây có nhiều tín hiệu khả quan khi nhiều chủng loại quả của Việt Nam được thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như: thanh long ruột đỏ được xuất khẩu sang Nhật Bản, sang Nga; sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Australia…
8 tháng năm 2020, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đạt 810 triệu USD, giảm 36,1% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong 7 tháng năm 2020. Tuy nhiên, lượng rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam trong 7 tháng qua giảm tới 35,7%, trong khi nhập khẩu từ Mỹ tăng 16,4% và từ Australia tăng 3,3%. |