Sau hai ngày làm việc, đến trưa nay (4/7), TAND TP HCM quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (Ngân hàng MHB).
Lý giải quyết định trả hồ sơ, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm cho hay, qua gần 2 ngày xét hỏi cho thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa làm rõ, các lời khai của bị cáo còn mâu thuẫn.
“HĐXX quyết định trả hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra bổ sung, nhằm làm rõ các nội dung còn chưa rõ, cũng như những tình tiết phát sinh qua lời khai của các bị cáo tại tòa”, Chủ tọa, thẩm phán Vũ Thanh Lâm cho hay.
"Bộ sậu" Ngân hàng MHB tại tòa. Nguồn ảnh: Tiền Phong |
Cụ thể, trong phần xét hỏi hôm nay, các bị cáo tiếp tục đưa ra nhiều lời khai bất nhất. Theo đó, bị cáo Huỳnh Nam Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty MHB phủ nhận trách nhiệm trong việc chuyển tiền từ ngân hàng sang công ty MHBS thì các thuộc cấp khẳng định làm theo chỉ đạo của Dũng.
Khai trước tòa, ông Huỳnh Nam Dũng cho rằng việc mua bán trái phiếu là trách nhiệm của bà Lữ Thị Thanh Bình - nguyên TGĐ Công ty MHBS và ông Nguyễn Phước Hòa - nguyên TGĐ Ngân hàng MHB. Tuy nhiên, cả hai bị cáo này đều phủ nhận và khẳng định ông Dũng chỉ đạo bằng mọi giá phải thực hiện.
Trước đó, cáo trạng truy tố của Viện KSND Tối cao nêu rõ, giai đoạn 2011-2014, ông Huỳnh Nam Dũng và Nguyễn Phước Hòa lợi dụng chức vụ quyền hạn đã họp Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản của MHB để thống nhất chủ trương chuyển 4.975 tỷ đồng cho MHBS nhằm hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ.
Chủ trương là vậy, tuy nhiên, ngay khi nhận được hàng ngàn tỷ đồng, Lữ Thị Thanh Bình - TGĐ MHBS chỉ sử dụng có 1.558 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu. Trong đó sử dụng hơn 966 tỷ đồng để ký các hợp tác đầu tư môi giới, mua bán trái phiếu chính phủ của Ngân hàng MHB thông qua một số công ty trung gian. Số còn lại 3.357 tỷ đồng lại được đem gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh MHB để hưởng lãi suất hơn 45 tỷ.
Việc môi giới, mua bán trái phiếu quay vòng như trên đã để cho các công ty trung gian dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng MHB gần 350 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Lữ Thị Thanh Bình còn chủ trương mở 3 tài khoản tự doanh để mua bán chứng khoán trái quy định gây thiệt hại cho MHB hơn 108 tỷ.
Đáng chú ý, dù MHB thiệt hại nặng nề nhưng Chủ tịch HĐQT ngân hàng này lại được hưởng lợi gần nửa tỷ.