Video sự ngụy biện của Trung Quốc về Biển Đông (Nguồn video VTC1):
Các nhà để máy bay này được xây trên Đá Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.
Trong các bức ảnh chụp cuối tháng 7/2016 vừa qua không thấy chiếc máy bay nào, nhưng những nhà để máy bay trên cả 3 đảo nhân tạo ở Biển Đông này đủ chỗ cho bất kỳ máy bay chiến đấu nào trong lực lượng không quân Trung Quốc - New York Times dẫn phân tích các bức ảnh mà tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cho biết.
Các nhà để máy bay đã được xây trên Đá Xu Bi, ảnh chụp ngày 24/7. |
Mặc dù Trung Quốc nói các đảo bồi đắp là để cho máy bay dân sự hoặc các chức năng phi quân sự khác, nhưng CSIS cho biết, các bức ảnh vệ tinh lại cho thấy điều ngược lại.
Ngoài kích thước - cái nhỏ nhất cũng rộng 18 - 22m, thừa đủ cho máy bay chiến đấu lớn nhất của Trung Quốc, các nhà để máy bay đều cho thấy các dấu hiệu của việc củng cố cấu trúc tại đây.
"Chúng đều dày hơn nhiều so với những nhà để máy bay mà ta có thể xây vì mục đích dân sự", ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á của CSIS nói với NYT. "Chúng đã được củng cố để đón nhận một cuộc tấn công".
Nhà để máy bay lớn nhất trong số đó rộng khoảng 60m, đủ cho các máy bay ném bom chiến lược và tiếp dầu - ông Poling nói.
CSIS cho biết, chúng có thể để vừa máy bay ném bom H-6 và máy bay tiếp dầu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay kiểm soát cảnh báo trên không KJ200 của quân đội Trung Quốc.
Nếu các máy bay này được triển khai, chúng có thể làm phức tạp thêm các tranh chấp trên Biển Đông và tăng cường nguy cơ quân sự với các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực.
Từ lâu các nhà phân tích quân sự đã thấy rõ ý định của Trung Quốc là sử dụng các hòn đảo nhân tạo để gia tăng sức mạnh quân sự của họ.
Một số nhà phân tích khác cảnh báo, các nhà chờ máy bay không phải là phản ứng với phán quyết của Tòa trọng tài, mà có thể đã được xây dựng từ trước đó nhiều tháng.
Giáo sư khoa học chính trị Taylor Fravel của Đại học Công nghệ Massachusetts nói rằng các nhà để máy bay này không phù hợp với những phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về không quân sự hóa các đảo nhân tạo.
"Trung Quốc đã tự cho mình lựa chọn sử dụng các rạn san hô này như cơ sở quân sự, nhưng chưa quyết định sẽ sử dụng đến mức nào". ông nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động của các bên khác tại đây mà không được phép của Việt Nam đều là vô giá trị và đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực.