Cục Đại dương Nhà nước (SOA) đã được giao trọng trách này. Dự kiến SOA sẽ thực hiện các cuộc tuần tra trên tất cả các vùng biển và hải đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Theo đó, SOA vừa ban hành bộ hướng dẫn tuần tra, khảo sát 11 điểm bao gồm chụp ảnh và quay video từ trên không đồng thời đưa vào áp dụng công nghệ viễn thám mới.
Ngoài ra, SOA cũng sẽ tiến hành khảo sát những vùng biển, hải đảo tranh chấp được cho là quan trọng ít nhất 2 lần/năm.
Chưa hết, bộ hướng dẫn của SOA còn quy định, máy bay khảo sát cũng sẽ chụp ảnh các đảo không có tranh chấp, cả có người ở lẫn không có người ở, ít nhất 1 lần/năm.
Nói chung, mỗi chuyến tuần tra, khảo sát, đối với mỗi đảo, SOA phải chụp được tối thiểu 3 ảnh.
Máy bay Trung Quốc tuần tra trên không phận quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Điếu Ngư/Senkaku. |
Ngay cả những đảo nằm bên ngoài cái gọi là "Khu vực Nhận dạng Phòng không ở Biển Hoa Đông (ADIZ)" mà Trung Quốc tự đặt ra cũng được theo dõi bằng radar viễn thám 1 lần/năm.
Bên cạnh đó, máy bay của SOA sẽ phải thu thập thông tin về sự phát triển của cơ sở hạ tầng trên các đảo chính (đang tranh chấp) trong khu vực Biển Đông do cái được gọi là chính quyền Tam Sa quản lý bất hợp pháp.
Thông báo về việc tăng cường tuần tra, khảo sát tại Biển Đông và Hoa Đông được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh vừa tuyên bố sẽ biên chế một tàu tuần tra 5.000 tấn cho cái gọi là chính quyền Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Việc biên chế này nhằm mục đích giúp Bắc Kinh tiến hành tuần tra thường xuyên toàn bộ Biển Đông hiệu quả hơn.
“Tăng cường tuần tra, khảo sát trên không nhằm mục đích củng cố khả năng quản lý hàng hải của chúng tôi ở vùng Biển Đông cũng như Hoa Đông. Đây cũng chính là sự khẳng định về chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển, hải đảo ở đây”, Zhang Jie, Phó Giám đốc Cục Hàng hải Hải Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, Không quân Trung Quốc cho biết, họ đã triển khai máy bay tuần tra thường xuyên không phận biển Hoa Đông trong suốt 2 tháng qua.