Bài viết đăng tải trên trang China Daily Mail đưa tin, do những thay đổi trong tình hình quốc tế và yêu cầu giải quyết tình hình Biển Đông, quân đội Trung Quốc gần đây đã soạn thảo kế hoạch cải tạo trên hai hòn đảo thuộc Trường Sa đó là Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Việc xây dựng trên hai đảo này đều có cùng mục đích là biến chúng trở thành “tàu sân bay cố định”. Tuy nhiên, những lợi ích chiến lược thu được từ động thái này là rất lớn.
Theo như bài viết, quân đội Trung Quốc sẽ biến Đá Vành Khăn trở thành trung tâm nghề cá ở Biển Đông. Nguồn lợi thu được từ hoạt động đánh bắt và nuôi cá sẽ đủ để trang trải các chi phí xây dựng. Do vậy, hoạt động này sẽ không là gánh nặng tài chính đối với Trung Quốc.
Cận cảnh đồn chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Trong khi đó, hòn đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập sẽ được cải tạo thành căn cứ quân sự quan trọng với những ý nghĩa quan trọng mang tầm chiến lược thể hiện qua vị thế và quy mô của đảo.
Dựa theo bản kế hoạch, căn cứ quân sự tương lai sẽ được xây cách mực nước biển 3 m với tổng diện tích là 5 km². Công trình này sẽ tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD và được hoàn tất trong thời gian 10 năm, bằng với thời gian xây một tàu sân bay trọng tải 100.000 tấn.
Trung Quốc cho rằng, nếu chính phủ phê chuẩn dự án này, thay vì đánh chiếm đảo Thị Tứ (quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), thì sẽ không gây ra một cuộc chiến nào trên Biển Đông. Do đó, nó cũng không ảnh hưởng tới mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN.
Đá Chữ Thập và Bãi Đá Vành Khăn là những rạn san hô lần lượt thuôc cụm Nam Yết và Bình Nguyên ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hiện, cả hai bãi đá này đều bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.