Sản phẩm Tamino chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) nhưng một số trang web, mạng xã hội lại quảng cáo như một loại thuốc có công dụng chữa bệnh, được Công ty TNHH Dược phẩm Sanora nghiên cứu và đăng ký nhãn hiệu, phân phối độc quyền bởi Công ty cổ phần Kentado.
Công ty TNHH Dược phẩm Sanora mới được thành lập giữa tháng 5/2019. |
Tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Dược phẩm Sanora mới được thành lập giữa tháng 5/2019, có địa chỉ trụ sở chính đăng ký tại 5/6 Tân Thới Hiệp 13, khu phố 3A, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM.
Người đại diện theo pháp luật là bà Thiều Thị Kim Ngân. Ngành nghề chính là bán buôn thực phẩm.
Còn về Công ty cổ phần Kentado, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 4/2016, có địa chỉ tại Royal Building, 225 Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Người sáng lập kiêm đại diện theo pháp luật là ông Lý Quãng Khiêm. Ngoài ra, ông Khiêm còn đại diện cho Công ty TNHH Mỹ phẩm Mirado.
Ngành nghề đăng ký hoạt động chính của Công ty cổ phần Kentado là bán buôn thực phẩm.
Nhân sự của Công ty cổ phần Kentado. (Ảnh: https://tamino.vn). |
Theo giới thiệu trên website https://tamino.vn, nhân sự của Công ty cổ phần Kentado chỉ có 20 người. Số lượng sản phẩm có 15 sản phẩm.
Liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏa Tamino, trước đó tại các trang web như: https://www.vientaminotangcan.com; https://tamino.vn/san-pham/vien-uong-tang-can-tamino, hay trên Facebook, Youtube… đã đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm này là thuốc và nổ công dụng một cách rầm rộ khiến dư luận bức xúc.
Đáng nói, một số trang web quảng cáo TPBVSK Tamino còn lồng ghép các đoạn video, sử dụng hình ảnh PGS. TS. Bác sĩ Trần Đình Toán - nguyên Bác sĩ, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Viện Quân Y 203, dược sĩ Võ Lý Phương Thùy, dược sĩ Thùy Trang, ca sĩ Trịnh Thăng Bình… với nội dung khen ngợi TPBVSK Tamino và khuyến cáo mọi người nên sử dụng nếu muốn tăng cân một cách hiệu quả để dẫn dụ, móc ví khách hàng.
Từng trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cho biết mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc nhưng những quảng cáo "nổ", quảng cáo sai sự thật, gian dối, dùng từ lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn tràn lan trên mạng xã hội, trên các trang Youtube…
"Tôi khẳng định tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khẳng định là "giải pháp hoàn hảo", "chữa khỏi", "vĩnh biệt căn bệnh", "điều trị tận gốc bệnh”... đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục ATTP không bao giờ cấp phép cho những quảng cáo "vĩnh viễn chữa khỏi" hay có những cụm từ như trên trong giấy phép quảng cáo", ông Phong khẳng định.
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.