Học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TPHCM) - Ảnh: Phương Quyên/ TTBCTPHCM |
Theo quy định, chính sách miễn học phí áp dụng cho tất cả học sinh THCS và học viên GDTX tại các cơ sở công lập và ngoài công lập, ngoại trừ trường hợp học tại các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố chia mức hỗ trợ theo hai nhóm địa bàn:
Nhóm 1: Bao gồm TP. Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Học sinh tại đây sẽ được nhận hỗ trợ 60.000 đồng/tháng.
Nhóm 2: Bao gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, với mức hỗ trợ 30.000 đồng/học sinh/tháng.
Chính sách được áp dụng trong 9 tháng của năm học 2024-2025. Tổng kinh phí dự kiến là 237 tỷ đồng, trong đó 221 tỷ đồng dành cho học sinh công lập và 16 tỷ đồng cho học sinh ngoài công lập.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, sau khi HĐND thông qua, UBND TP và Sở GD-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể các trường hoàn trả học phí đã thu từ tháng 9. Đồng thời, ngân sách Thành phố sẽ cấp hỗ trợ trực tiếp để đảm bảo hoạt động giáo dục không bị gián đoạn.
Chính sách miễn học phí đã được TPHCM triển khai từ năm học 2021-2022, trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Qua ba năm thực hiện, chính sách này được đánh giá là "hợp lòng dân", giúp phụ huynh yên tâm cho con đến trường, giảm áp lực tài chính và tạo điều kiện để phục hồi kinh tế gia đình.
Xuất phát từ tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM và lộ trình giảm học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ, UBND TP đánh giá việc tiếp tục chính sách đặc thù hỗ trợ học phí là cần thiết. Đây không chỉ là biện pháp hỗ trợ kinh tế mà còn thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện, đảm bảo quyền tiếp cận học tập bình đẳng cho mọi học sinh.