Chiều ngày 3/11, UBND TP HCM đã có buổi họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh do virus Zika. Tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết qua hệ thống giám sát tại 30 bệnh viện, có 921 mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm, 30 người đã được xác định dương tính trong đó 9 trường hợp đang được xét nghiệm lại.
BS Trí Dũng nhận định, bệnh do virus Zika có thể lây lan và xuất hiện nhiều ca mới.
Em bé 4 tháng tuổi của Việt Nam bị chứng đầu nhỏ do nhiễm Zika. Ảnh: Infonet. |
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, trong 5 tuần trở lại đây, trung bình mỗi tuần có khoảng 5 ca nhiễm virus Zika, trong đó đã có 4 thai phụ có xét nghiệm dương tính với virus Zika, trong đó có một người đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Do đó, đối tượng cần quan tâm tập trung trong giai đoạn này là những phụ nữ mang thai, những người có ý định mang thai, để tránh để lại di chứng đáng tiếc mà virus Zika gây ra.
Cuối tháng 3/2016, thai phụ ở TP HCM phát hiện dương tính với virus Zika khi đang mang thai ở tuần thứ 8. Nhưng đến ngày 7/4, thai phụ này đến bệnh viện phụ sản khám và được các bác sỹ xác định có túi thai nhưng không có tim thai nên thai phụ đã quyết định chấm dứt thai kỳ sớm.
Trước tình hình bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp, TP HCM đã thành lập 6 đội chống dịch Zika, tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh và truyền thông phòng bệnh, tập trung vào phụ nữ có thai. Bên cạnh việc tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất trên diện rộng, ngành y kêu gọi mỗi người, mỗi nhà tự diệt muỗi, diệt loăng quăng, phòng muỗi đốt.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 39 bệnh nhân nhiễm virus Zika ở 7 tỉnh thành. Ngoài TP HCM chiếm số lượng cao nhất, Đăk Lăk 3 ca, Bình Dương có 2 ca. Các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, Long An, Trà Vinh mỗi nơi phát hiện một bệnh nhân. Một em bé ở Đăk Lăk được ghi nhận bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika.