Top 5 điểm check-in đẹp như tranh vẽ ở Bạc Liêu

Bạc Liêu từ xưa vốn đã nức tiếng là trù phú và phì nhiêu, là nơi hội tụ tinh hoa của 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer với vẻ đẹp đa sắc đa màu.

Nhắc đến Bạc Liêu người ta nghĩ ngay đến công tử Bạc Liêu – vị công tử nổi tiếng ăn chơi một thời hay quê hương của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu người sáng tác ra điệu “Dạ cổ hoài lang” lừng danh. Tuy nhiên, du khách đến đây còn có thể đắm chìm vào cảnh sắc của nhiều địa điểm tuyệt vời khác. Tận mắt chứng kiến, chắc chắn ai cũng phải ngỡ ngàng vì những gì thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này.  
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu
 Cách trung tâm Bạc Liêu khoảng 10km, cánh đồng điện gió sở hữu quy mô rộng lớn ấn tượng. Từ khi hoàn thành, công trình điện gió này không chỉ có ý nghĩa cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch mà còn trở thành trong những địa điểm du lịch hút khách nhất Bạc Liêu.  
 Đến nơi này khi bình minh hoặc lúc hoàng hôn du khách sẽ bắt gặp khung cảnh tuyệt đẹp như một bức tranh. Đó là sự giao hòa giữa bầu trời mênh mông, biển xanh bát ngạt và những "gã" quạt gió khổng lồ trầm mặc giữa cánh đồng bao la.  
 Công trình điện gió này nằm trong khu vực 500 ha đất ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.  
Top 5 diem check-in dep nhu tranh ve o Bac Lieu
 Cánh đồng điện gió Bạc Liêu
Chùa Xiêm Cán, Bạc Liêu  
 Đây là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Bạc Liêu. Vào những dịp lễ hội lớn như Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), Sêne Đôlta (cúng ông bà), Ok Om Bok (cúng trăng), chùa thu hút đông đảo du khách nhất.
Top 5 diem check-in dep nhu tranh ve o Bac Lieu-Hinh-2
 Chùa Xiêm Cán, Bạc Liêu
Chùa Xiêm Cán được xây dựng vào thế kỷ 19 trên khuôn viên rộng đến 50.000 m2. Xuyên qua hàng cây xanh mát từ quốc lộ vào, du khách đều ngỡ ngàng bởi chùa được trang trí nhiều họa tiết, với những đường nét chạm trổ, điêu khắc độc đáo.
Nhà Công tử Bạc Liêu
 Nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu. Ngôi nhà sở hữu kiến trúc bề thế nhất lục tỉnh miền Tây thời điểm những năm 1919- 1920, xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây sang trọng, nhiều chi tiết, vật liệu, đồ nội thất trong nhà được nhập khẩu từ Pháp, từ các bù long, ốc vít cho đến các chi tiết xây dựng đều có đóng dấu chìm mẫu tự P thể hiện xuất xứ.
Top 5 diem check-in dep nhu tranh ve o Bac Lieu-Hinh-3
 Nhà Công tử Bạc Liêu
Nhà Công tử Bạc Liêu đến nay đã được hơn trăm năm tuổi nhưng những giá trị kiến trúc, nghệ thuật tại dinh thự này không những không bị “lạc hậu” so với thời thế mà trái lại, càng trở nên quý giá và được đánh giá cao.  
Vườn chim Bạc Liêu
Ngoài cánh đồng điện gió, vườn chim Bạc Liêu cũng là một trong những điểm đến yêu thích của những tín đồ yêu thích cảm giác được hòa mình cùng thiên nhiên. Điểm du lịch Bạc Liêu này sở hữu thảm động thực vật đa dạng, đồng thời là nơi cư ngụ của 46 loài chim, kể cả các loài có tên trong Sách đỏ.  
Top 5 diem check-in dep nhu tranh ve o Bac Lieu-Hinh-4
 Vườn chim Bạc Liêu
Đồng muối Đông Hải, Bạc Liêu
Nếu trót mê đắm hình ảnh các ô ruộng muối trắng tinh nối tiếp nhau, và lung linh, bừng sáng khi ánh mặt trời soi chiếu, thì đồng muối Đông Hải chắc chắn là tọa độ du lịch Bạc Liêu du khách không nên bỏ lỡ.  
Top 5 diem check-in dep nhu tranh ve o Bac Lieu-Hinh-5
Đồng muối Đông Hải, Bạc Liêu 
Những cánh đồng muối tại đây được chia thành từng ô, từng hàng, chạy dài thẳng tắp và lấp lánh trong ánh nắng. Thời gian tuyệt nhất để đến đây thăm thú là vào khoảng tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Đặc biệt, khung giờ buổi sáng bình minh và lúc hoàng hôn rất lý tưởng để có được những bức ảnh đẹp nhất.  

Cận cảnh “hàng khủng” trong dinh thự công tử Bạc Liêu

Tòa dinh thự Công tử Bạc Liêu còn lưu giữ được nhiều vật quý và đồ nội thất vô cùng sang trọng, có từ khi Công tử Bạc Liêu sinh sống ở nơi đây.

Can canh “hang khung” trong dinh thu cong tu Bac Lieu
 Tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu, dinh thự Công tử Bạc Liêu là công trình bề thể gắn liền với cuộc đời Trần Trinh Huy (1900-1974), vị thiếu gia ăn chơi khét tiếng Nam Kỳ lục tỉnh xưa. 

Con Công tử Bạc Liêu qua đời, dở dang ước muốn 'lọc sạn' giai thoại về cha

Giã từ cõi tạm, ông Đức mang theo ước nguyện dở dang của cả đời mình là “lọc sạn” trong những giai thoại về cha - người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh một thời.

“Tàn cảnh vàng son”

Ít năm trước, chúng tôi may mắn được gặp ông Trần Trinh Đức (vừa qua đời ngày 18/6/2022), con trai thứ của người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy tại quê hương của ông. Ngày ấy, ông Đức vẫn toát lên phong thái lịch thiệp một cách cổ điển.

Chẳng phải do ông cố tỏ ra như vậy. Nó là cái gen của dòng dõi hào hoa, tài tử nên khiến ông chiếm ngay được cảm tình của mọi người từ lần gặp mặt đầu tiên.

Lần gặp gỡ ấy, ông không kể nhiều về những thăng trầm của cuộc đời mình. Ông tóm tắt cuộc đời mình bằng câu “tôi sinh ra khi gia đình đã tàn cảnh vàng son”.

Sau câu nói ấy, ông lặng thinh. Ông kiếm tìm một chút lắng đọng để có thể nói ra một cách chân thực nhất về nỗi trăn trở suốt bấy lâu của mình. Ông khát khao được gạn lọc, nhặt những hạt sạn trong nhiều giai thoại về cha của mình, Công tử Bạc Liêu.

Con Cong tu Bac Lieu qua doi, do dang uoc muon 'loc san' giai thoai ve cha
Ông Trần Trinh Đức chụp ảnh cùng khách tại một khu du lịch tại tỉnh Bạc Liêu vào năm 2012.

Ông tâm sự: “Tôi được hỏi nhiều về ba. Tôi cũng đọc nhiều tài liệu về ông ấy. Thế nhưng, điều tôi thấy nhiều nhất và khiến tôi buồn nhất là mọi người nghĩ, hiểu về ba tôi sai quá”.

“Thậm chí có những tài liệu, phim ảnh thông tin chưa chính xác khiến người đời hiểu lầm về nhân cách ba tôi, làm ảnh hưởng đến cả dòng họ của tôi. Tôi rất buồn và hy vọng có thể gạn lọc, loại bỏ những cái chưa đúng, chưa chính xác này”, ông trăn trở.

Những năm còn sống, mỗi khi ai đó gặp và biết ông là con trai Công tử Bạc Liêu họ đều cố hỏi ông về chuyện “Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, nấu chè, về những mối tình đã đi vào huyền thoại của vị công tử giàu nhất xứ Nam Kỳ lục tỉnh...

Trước khi tìm được câu trả lời từ ông, trong tâm trí những người ấy, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người hào hoa phóng túng, chỉ biết chơi ngông... Thậm chí một bộ phận người dân có những nhìn nhận không mấy khách quan, thiếu thiện cảm về con người nổi tiếng này.

Ông Đức kể: “Ai cũng nghĩ ba tôi chơi ngông, thích phô trương thanh thế đến bất chấp và xem thường đồng tiền trong khi thời điểm đó, người dân đang đói khổ. Ví dụ như chuyện ba tôi mua máy bay. Lúc đó, người đời chê bai ba tôi dữ lắm”.

“Thời điểm đó, ông là người Việt Nam thứ 2 mua được máy bay sau vua Bảo Đại. Thế là người ta nói ông chơi ngông, thích phô trương thanh thế, tự cho mình ngang hàng vua chúa. Nhưng thực tế không phải như vậy”, ông kể thêm.

Ông Đức giải thích việc Công tử Bạc Liêu quyết định mua máy bay là cả một sự tiến bộ. Đó là cách áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp chứ không phải ông đang chơi ngông.

Ngoài việc mua máy bay để đi thăm những ruộng lúa, ruộng muối bạt ngàn, Công tử Bạc Liêu còn sử dụng phương tiện này vào việc phun thuốc trừ sâu cho lúa. Ông học tập cách làm tiết kiệm sức lao động, không gây nguy hại cho sức khỏe tá điền này từ phương Tây.

Dẫu vậy, có lẽ việc làm ấy còn quá mới mẻ so với thời đại lúc bấy giờ. Thế nên ông bị cho là kẻ chơi ngông, chơi trội, thích ném tiền qua cửa sổ.

Dở dang ước vọng một đời…

Ông Đức nói thêm: “Thời điểm cả nước kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi nói chung và ba tôi nói riêng không hề tham gia vào bất kỳ một hoạt động chính trị bất lợi nào cho cách mạng”.

“Hơn thế năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Bạc Liêu, ông Hai Sớm, bí danh Trần Văn Phong, ba tôi còn tham gia giúp đỡ cách mạng bằng thóc gạo và thuốc men”, ông nói thêm.

Tuy vậy, những thông tin này ít được người đời nhắc đến. Điều khiến vị công tử giàu nhất xứ Nam kỳ lúc bấy giờ nổi tiếng hơn cả là giai thoại đốt tiền nấu trứng, nấu chè “để giành gái” với Bạch công tử Lê Công Phước.

Con Cong tu Bac Lieu qua doi, do dang uoc muon 'loc san' giai thoai ve cha-Hinh-2
Một góc nhà của Công tử Bạc Liêu. (Ảnh chụp năm 2012).

Một thời, giai thoại này cũng được chính người nhà Hắc công tử Trần Trinh Huy bàn tán. Cho đến bây giờ, dân gian vẫn truyền miệng 2 câu thơ: “Nghe danh Công Tử Bạc Liêu; Ðốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu!” để nhắc nhớ về giai thoại này.

Thế nhưng ông Đức khẳng định, đây là chuyện thêu dệt của người đời, hoàn toàn không có chuyện Công tử Bạc Liêu đốt tiền theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ông Đức kể: “Trước đây, khi giai thoại này bắt đầu xuất hiện, người ta đồn đại nhiều lắm. Cả người trong nhà tôi cũng bàn tán. Thậm chí có người thân cận với ba còn bạo gan hỏi ông về chuyện này. Song, ba tôi đều gạt đi và nói đó là chuyện ngồi lê đôi mách của thiên hạ”.

“Lúc bấy giờ, ông nội tôi, Hội đồng Trạch quản lý gia sản rất chặt. Do vậy, mặc dù ba tôi có thể tiêu bạc trăm bạc ngàn nhưng cũng không dám đem tiền ra đốt tiền như vậy. Đặc biệt với một con người chịu ảnh hưởng rất mạnh của văn hóa phương Tây, ba tôi sẽ không chứng minh bản lĩnh bằng hạ sách đó”, ông nói thêm.

Ông Đức cũng quả quyết chưa bao giờ nghe cha mình cũng như gia đình thông tin về việc này. Thế nên, ông cho rằng, giai thoại trên “chỉ là những lời đồn đại, thêm thắt của dân gian” mà thôi.

Ngày còn sống, khi làm hướng dẫn viên du lịch, bán sách viết về cha mình tại Dinh thự Công tử Bạc Liêu, ông Đức cố gắng thông tin lại những giai thoại chưa đúng về nhân vật nổi tiếng này. Mỗi khi ai đó lắng nghe, đồng cảm với những lý giải của mình, ông đều nở nụ cười rất tươi.

Những lúc như thế, cơ mặt ông giãn ra, để lộ sự thỏa mãn, tự hào. Ông từng nói, ông hối tiếc vì không đủ sức viết sách, gửi gắm vào đó những trăn trở, nỗi niềm của mình.

Thế nên, điều ông có thể làm là phô tô cuốn sách viết về Công tử Bạc Liêu với nội dung ông cho rằng khá chính xác và đầy đủ hơn cả. Ông gửi tặng sách này cho bạn bè hoặc bán cho người cần.

Hơn cả mục đích mưu sinh, việc làm này giúp ông với bớt nỗi đau chưa tìm ra cách tốt nhất để thông tin lại chính xác các giai thoại về người cha của mình. Tuy vậy, những cố gắng của ông đến bây giờ vẫn còn dang dở. Và có lẽ, khi giã từ cõi đời, ông cũng mang những dang dở ấy theo mình về miền xa. 

Tin mới