DW đưa tin ngày 26/10, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói với phái đoàn nghị sĩ Nga rằng việc loại bỏ các tổ chức “khủng bố” có thể mang lại một giải pháp chính trị tại Syria. Người đứng đầu chính phủ Damascus khẳng định, ông sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn, sau khi tất cả các nhóm khủng bố bị đánh bại.
Theo truyền thông Syria, Tổng thống Assad cho rằng việc Nga can thiệp vào cuộc xung đột Syria đã “viết lên trang sử mới” có thể định hình tương lai của khu vực và thế giới. Và việc tiêu diệt quân phiến quân góp phần đem lại một giải pháp thỏa đáng cho cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. |
“Việc loại bỏ các tổ chức khủng bố sẽ dẫn đến một giải pháp chính trị mà Syria và Nga đang tìm kiếm, một giải pháp làm hài lòng người dân Syria và bảo vệ chủ quyền, độc lập và thống nhất lãnh thổ Syria”, hãng tin SANA dẫn lời ông Assad nói.
Tổng thống Assad cũng “đánh giá cao quan điểm của Moscow ủng hộ người dân Syria cũng như sự ủng hộ của Không quân Nga đối với quân đội Syria trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Bình luận của ông Assad được đưa ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Mỹ, Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ đang thảo luận về biện pháp khôi phục quá trình chuyển tiếp chính trị đã thất bại ở Syria nhằm chấm dứt chiến tranh.
Nga tìm cách thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Syria
Các nghị sĩ Nga thông báo rằng, Tổng thống Bashar al-Assad sẵn sàng tham gia vào cuộc bầu cử trước thời hạn, tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội và thảo luận về việc thay đổi hiến pháp. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện sau khi lực lượng “khủng bố” bị đánh bại.
“Ông Assad sẵn sàng tiến hành các cuộc bầu cử với sự tham gia của tất cả lực lượng chính trị muốn Syria trở thành một đất nước phát triển thịnh vượng”, nghị sĩ Alexander Yushchenko cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Assad.
Mặc dù Moscow ủng hộ mạnh mẽ ông Assad nhưng các quốc gia khác, trong đó có Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nhà lãnh đạo Syria phải ra đi nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài hơn 4 năm đến nay đã khiến 250 nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ đất nước.