Nhà phân tích Philipp Bilsky - tác giả bài bình luận sau đây đăng trên Deutsche Welle ngày 4/12 – cho rằng qua động thái này, ông Donald Trump đã tái khẳng định danh tiếng của mình là “một đối thủ không thể đoán trước”.
Có một số dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể căng thẳng trong tương lai. Ảnh ghép DW |
Phản ứng của Bắc Kinh đã được báo trước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối và khẳng định nguyên tắc "một Trung Quốc".
Trước khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối chính thức, Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói Bắc Kinh phản đối bất kỳ sự tương tác hoặc liên hệ quân sự chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan.
Động thái này chọc giận Trung Quốc vì Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh ly khai.
Nhóm tiếp nhận quyền lực của ông Trump cho biết ông và bà Thái Anh Văn ghi nhận “quan hệ chặt chẽ về an ninh, chính trị và kinh tế" giữa Mỹ và Đài Loan trong một cuộc điện đàm.
Nhưng những lời chỉ trích mạnh mẽ lại đến từ những nơi khác. Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh đã kêu gọi chính quyền mới chấp nhận "nguyên trạng" trong quan hệ Mỹ-Trung. Nhà Trắng cũng vội vã nhấn mạnh rằng chính sách lâu dài của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi.
Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Donald Trump là Tổng thống Mỹ đắc cử đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua đã gọi điện thoại cho người đứng đầu vùng lãnh thổ Đài Loan: trong trường hợp này là bà Thái Anh Văn.
Đài Loan tách khỏi Trung Quốc đại lục vào năm 1949, sau khi những người Cộng sản giành chiến thắng trong cuộc nội chiến. Theo Bắc Kinh, Đài Loan vẫn luôn luôn là một phần của Trung Quốc. Năm 1979, chính phủ Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chấp nhận nguyên tắc "một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Việc một tổng thống Mỹ hay tổng thống đắc cử nói chuyện trực tiếp với một nhà lãnh đạo Đài Loan là rất bất thường. Một cuộc gọi điện thoại như cuộc gọi của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho bà Thái Anh Văn là “không thể tưởng tượng nổi ” trong nhiều thập kỷ qua.
Liệu ông Trump có nhận thức được hậu quả của cuộc điện đàm nói trên đối với quan hệ Mỹ-Trung?
Một cộng sự thân cận của ông Trump giải thích trên CNN rằng Tổng thống Mỹ tương lai hoàn toàn nhận thức được ý nghĩa của cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn. Xét đến những hậu quả của sự cố này và của những tuyên bố về mặt ngoại giao đáng ngạc nhiên khác mà ông Trump đã đưa ra gần đây, giới phân tích ngày càng nghi ngờ về năng lực của Tổng thống Mỹ thứ 45. Có một điều rõ ràng là Nhà Trắng đã không được thông báo trước.
Có rất nhiều đồn đoán trước khi ông Trump đắc cử cũng như những mà ông sẽ làm trên cương vị Tổng thống Mỹ đối với quan hệ Mỹ-Trung. Xét theo quan điểm của Trung Quốc, dường như ông Trump là một “đối tác hấp dẫn hơn” so với bà Hillary Clinton liên quan đến xung đột ở Biển Đông hay vấn đề nhân quyền. Nhưng đồng thời, sẽ là vô cùng khó khăn để đoán trước những gì ông Trump sẽ làm vì những tuyên bố trái ngược của ông.
Với động thái làm đảo lộn quan hệ Mỹ-Trung nói trên, ông Trump đã tái khẳng định danh tiếng của mình là "một người không thể đoán trước”. Xét đến tính dễ bùng nổ về chính trị của vô số những mâu thuẫn hiện có giữa hai nước, cuộc điện đàm của ông Trump với bà Thái Anh Văn không phải là một dấu hiệu tốt cho những gì sắp xảy ra trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.